Ăn cá ô nhiễm, cơ thể mất khả năng đào thải độc tố

Ăn cá ô nhiễm, cơ thể mất khả năng đào thải độc tố

11, August, 2016

Theo Báo dân trí.com, đăng vào ngày thứ hai, 23/05/2016

Cá vỗn nổi tiếng là chứa những chất dinh dưỡng tốt cho não và thúc đẩy sức khỏe tim, nhưng nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy một chất ô nhiễm nguy hiểm ẩn nấp trong mô cơ của một số loài cá có thể là mối đe dọa đối với con người.

 

Các chất ô nhiễm có trong cá có thể làm tổn thương hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể
Các chất ô nhiễm có trong cá có thể làm tổn thương hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hải dương học Scripps, UC San Diego là một trong những người đầu tiên thấy rằng việc ăn phải những chất ô nhiễm này có thể cản trở khả năng của cơ thể đào thải các độc tố.

"Khi ăn cá bị ô nhiễm, chúng ta có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng thủ tối quan trọng này trong cơ thể ", GS Amro Hamdoun, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. "Việc hết sức quan trọng là phải đảm bảo rằng những con cá chứa chất ô nhiễm này không bị sử dụng làm thực phẩm”.

Cơ thể người có một loại protein quan trọng gọi là P-glycoprotein, hay "P-gp," có tác dụng đẩy lùi những độc tố có hại. Giống như lính canh cửa, P-gp trục xuất những chất lạ ra khỏi cơ thể, và có thể chống lại nhiều chất độc cùng một lúc. Nếu không có nó, các độc tố có thể tự do đi vào tế bào mà không gặp phải sự kháng cự nào.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã nghi ngờ một nhóm chất được gọi là các chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) là không an toàn và có khả năng qua mặt “lính canh” P-gp và gây tổn thương – tuy nhiên họ chưa không biết điều này diễn ra như thế nào.

Vì vậy nhóm nghiên cứu của GS Hamdoun đã quyết định đi tìm nguyên nhân bằng cách phân tích 10 POP khác nhau cản trở khả năng hoạt động của P-gp. Họ phát hiện ra rằng thay vì vượt qua P-gp, các chất ô nhiễm bám vào protein này, cuối cùng ngăn không cho nó bảo vệ cơ thể chống lại những chất độc khác nhau.

"Những hóa chất trong môi trường hình thành tương tác chặt chẽ," GS Hamdoun giải thích. "Nhưng thay vì bị trục xuất, những protein này cản trở khả năng thực hiện công việc của p-glycoprotein".

Các nhà nghiên cứu gọi hành động “đầu độc lính canh” này là mối nguy hiểm cho những người ăn cá. Họ khuyến nghị cần kiểm nghiệm thêm các hóa chất môi trường để xác định xem chúng có làm ô nhiễm cá, và do đó làm thay đổi hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể con người hay không.

Một số cá đánh bắt ngoài khơi bờ biển Louisiana tại vịnh Mexico đã được thấy là có nồng độ cao các chất ô nhiễm cản trở P-gp. Hơn nữa, điều đáng lo không chỉ là cá. Nồng độ POPs cao cũng có thể hiện diện trong thịt và sữa.

GS Hamdoun hy vọng kết quả sẽ thúc đẩy các nhà khoa học và hoạch định chính sách trong tương lai nghĩ đến việc kiểm nghiệm và phòng ngừa ô nhiễm.

Cẩm Tú

Theo Medical Daily