Chương trình Bình ổn thị trường năm 2016.  Tăng vốn, tăng sản lượng hàng hóa lên 30% - 35%

Chương trình Bình ổn thị trường năm 2016. Tăng vốn, tăng sản lượng hàng hóa lên 30% - 35%

11, August, 2016

Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG ONLINE, đăng ngày thứ hai , 4 -4-2016

Chương trình Bình ổn thị trường năm 2016

Tăng vốn, tăng sản lượng hàng hóa lên 30% - 35%

Thứ hai, 04/04/2016, 11:52 (GMT+7)

 

    Ngày 1-4, TPHCM chính thức triển khai thực hiện các chương trình bình ổn thị trường năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (viết tắt là CTBOTT 2016). Theo đó, năm 2016, CTBOTT tại TPHCM tiếp tục nhận được sự tham gia của một đội ngũ doanh nghiệp (DN) hùng hậu, với 86 đơn vị; số lượng và danh mục các mặt hàng bình ổn cũng phong phú và đa dạng hơn. Tổng hạn mức tín dụng thực hiện chương trình là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050  tỷ đồng so với năm 2015.

Hàng bình ổn chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường

 

  Theo Sở Công thương TPHCM, năm 2016, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện song song 4 CTBOTT, gồm: CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu; CTBOTT các mặt hàng sữa; CTBOTT các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2016-2017 và CTBOTT các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.

 

    Căn cứ vào sự thay đổi xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của người dân và trên cơ sở đăng ký theo khả năng cung ứng của từng DN, TPHCM đã xây dựng sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng bình ổn chiếm khoảng từ 25% - 40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân từ 30% - 35% so với kết quả thực hiện năm 2015.

 

     Cụ thể, lượng hàng thực hiện CTBOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm sẽ được bình ổn đối với 9 nhóm mặt hàng (gồm gạo các loại, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản). Các mặt hàng này sẽ chiếm khoảng 25% - 30% nhu cầu thị trường các tháng thường, 30% - 40% nhu cầu thị trường các tháng tết. Các mặt hàng trong chương trình mùa khai trường, lượng hàng chiếm từ 35% - 40% nhu cầu tiêu dùng, tăng bình quân 15% - 30% so kết quả thực hiện năm 2015, gồm 28 triệu cuốn tập, 450.000 bộ đồng phục học sinh, 1.369.000 cặp - ba lô - túi xách và 320.000 đôi giày, dép. Các mặt hàng sữa, tổng lượng hàng hóa tham gia thực hiện chương trình năm 2016 - 2017 là 4.529,5 tấn/năm (377,5 tấn/tháng), tăng 8,37% so với kết quả thực hiện chương trình năm 2015 - 2016 và tăng 13,9% so với kế hoạch thực hiện. Các mặt hàng dược phẩm, lượng hàng hóa thực hiện chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu người dân TP sử dụng trong năm 2016.

 

 

 

Trang trại ươm trồng giống cà chua tại HTX Nông nghiệp Phong Thúy, tỉnh Lâm Đồng - một vệ tinh của Saigon Co.op.

 

Năm 2016, đơn vị này trực tiếp tham gia CTBOTT tại TPHCM          

 

Ảnh: Hải Hà

 

 

           Về cơ chế thực hiện các chương trình năm 2016, cơ bản là không khác so với năm 2015. Nguồn vốn bình ổn sẽ thực hiện theo phương thức sử dụng vốn vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình với hạn mức, mức lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ DN thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng thị trường. Giá bán hàng bình ổn là do các DN tự xây dựng và kê khai giá bán tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá ít nhất từ 5% - 10%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5% - 10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, DN sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh. Trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, DN chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế.

 

Tập trung sản xuất, phát triển mạng lưới

 

      Theo UBND TPHCM, năm 2016, TP tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tiếp cận các nguồn vốn để tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn cho TP. Ngoài ra, năm nay TPHCM sẽ triển khai sâu rộng các Quyết định 33 về Chương trình kích cầu và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đến các DN tham gia bình ổn.

 

 

     Vào cuối năm 2015, TP cũng đã ban hành Quyết định số 50 quy định về việc triển khai thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM nhằm khuyến khích các DN, tổ chức kinh tế tập thể đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm. Theo đó, các lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất bao gồm các dự án công nghệ cao; dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; dự án thuộc lĩnh vực thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp; dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa xã hội; dự án hạ tầng và môi trường. Như vậy, song song với gói tín dụng các DN cam kết dành cho CTBOTT, cùng với các quyết định nêu trên, nếu DN có dự án đầu tư tốt đúng quy định và đối tượng, có thể dễ dàng vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, năm 2016, ở mỗi CTBOTT, TPHCM sẽ tiếp tục bổ sung thêm chủng loại hàng hóa trên tinh thần tự nguyện đăng ký của DN nhằm làm phong phú, đa dạng sự lựa chọn cho người dân như CTBOTT lương thực - thực phẩm, bên cạnh 9 nhóm mặt hàng chủ lực còn có thêm nấm rơm, nấm mèo, các chủng loại thủy hải sản khô, chế biến (tép sấy, cá khô, lẩu đóng gói…). CTBOTT các mặt hàng mùa khai trường, bổ sung các mặt hàng sandal cho học sinh. CTBOTT sữa có thêm 8 sản phẩm và CTBOTT các mặt hàng dược phẩm tăng 6 hoạt chất so với năm 2015.

 

 

      Trong định hướng phát triển CTBOTT năm 2016, TPHCM sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín cho chương trình nói chung và DN, sản phẩm bình ổn thị trường nói riêng, thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông. Hỗ trợ DN mở rộng thị trường trên cả nước, đồng thời hỗ trợ các địa phương thực hiện CTBOTT, trước mắt, trọng tâm là các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ. Tiếp tục hỗ trợ DN trong chương trình đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo hướng hiện đại, năng suất cao; tiếp tục thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu đối với sản phẩm đạt chuẩn an toàn. Thúc đẩy phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường, kinh doanh 100% hàng Việt Nam và là điểm bán thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, HACCP… phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục đưa logo của chương trình vào các mặt hàng bình ổn nhằm nâng cao khả năng nhận diện cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, qua đó góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của chương trình.

 

     Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, CTBOTT năm 2016 của TPHCM tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa trong chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lượng hàng hóa trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân TP trong trường hợp có xảy ra biến động. Điều quan trọng nhất, đó là hàng hóa trong chương trình phải được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng, nhất là người dân tại các xã, phường của quận huyện ngoại thành, công nhân lao động tại các KCX-KCN. Để thực hiện được việc này, TP giao Sở Công thương TPHCM phối hợp HEPZA, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tìm giải pháp phù hợp, nghiên cứu nhu cầu của công nhân, từ đó, thúc đẩy phát triển nhanh các cửa hàng liên kết với số lượng hàng hóa đa dạng và ngày càng chuyên nghiệp hơn nhằm đi sâu vào các khu dân cư, khu nhà trọ, KCN-KCX. Ngoài ra, Sở Công thương TPHCM tiếp tục phối hợp với các quận, huyện rà soát lại hoạt động của các chợ đầu mối, các chợ bán lẻ để có giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của các chợ. Đây cũng là một trong những mục tiêu của CTBOTT năm 2016 nhằm tăng tần suất bao phủ hàng bình ổn ở các kênh phân phối, đặc biệt là tại các chợ của TP.

 

 

 
 

Những điểm đáng chú ý của Chương trình bình ổn năm 2016

° CTBOTT năm 2016 và Tết Đinh Dậu 2017 của TPHCM được tiếp nối và triển khai kể từ ngày 1-4-2016 và kết thúc vào 31-3-2017.

° Tham gia vào 4 CTBOTT năm nay có tổng số  86 DN, tăng 1 DN so năm 2015. Cụ thể như sau: 10 ngân hàng tham gia, trong đó có 3 đơn vị mới tham gia lần đầu là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn, Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Tây. Đối với CTBOTT các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu có 42 DN, trong đó có 6 đơn vị mới tham gia lần đầu (gồm Công ty TNHH MTV Thực phẩm Ánh Nhi, Công ty TNHH SXTM Nông sản Phong Thúy, Công ty TNHH Quốc tế Phước Thắng, Công ty TNHH TM SX Hải Nam, Công ty TNHH SX Chế biến thủy hải sản và TM Thanh Phát, Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình), 4 DN cũ không tiếp tục tham gia gồm: Vinatex, Công ty CP Đầu tư An Phong, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, Công ty TNHH MTV TM&DV Biển Bình Minh. CTBOTT các mặt hàng mùa khai trường có 15 DN tham gia, trong đó có 2 đơn vị mới tham gia lần đầu là Công ty TNHH TM-DV XNK Cao Gia Khánh và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Á Châu; 3 đơn vị cũ không tiếp tục tham gia gồm: Vinatex, Công ty TNHH Anbita Việt Nam, Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng. CTBOTT các mặt hàng sữa có 5 DN tham gia, trong đó có 1 đơn vị mới tham gia lần đầu là Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (TH True Milk). CTBOTT các mặt hàng dược phẩm có 14 DN, trong đó có 2 DN mới tham gia lần đầu và 2 DN cũ không tiếp tục tham gia.

° Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký thực hiện các CTBOTT là 12.900 tỷ đồng, tăng 1.050 tỷ đồng (+8,86%) so năm 2015 (11.850 tỷ đồng), lãi suất tương đương năm 2015, gồm 3 gói tín dụng, trong đó có 6.350 tỷ đồng cho DN trong chương trình vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 5% - 6%/năm; 2.950 tỷ đồng cho DN chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng, lãi suất từ 5% - 8%/năm và 3.600 tỷ đồng cho DN trong chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư chuồng trại, cơ sở sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối; lãi suất từ 8,5% - 9%/năm.