Chương trình bình ổn thị trường :

Chương trình bình ổn thị trường : "TPHCM và 20 tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ liên kết với tổng vốn 27.428 tỷ đồng"

11, August, 2016

Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Online, đăng ngày thứ 2, 20/6/2016

        Kết thúc giai đoạn 1 (2011-2015) của Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, về cơ bản, các bên đều đã xác định được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để hợp tác đầu tư, tạo nguồn hàng cung ứng cho thị trường tiến đến xuất khẩu. 

 

                               

 

        Một trong những trang trại liên kết đầu tư chăn nuôi gà thả vườn của Công ty TNHH San Hà tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai).

                                                  Ảnh: TƯỜNG DÂN 

       Sau 5 năm triển khai chương trình đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho DN TPHCM an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối. Theo ước tính sơ bộ của Sở Công thương, các DN đồng hành với chương trình đã thực hiện 75 dự án đầu tư, liên kết đầu tư với tổng vốn 27.428 tỷ đồng. Các dự án bao gồm nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị… Trong tổng vốn đầu tư, có tới 2.500 tỷ đồng các DN đã thực hiện để cung ứng vốn cho các hộ nông dân chăn nuôi và phát triển tổng đàn, đồng thời mở rộng các trang trại trồng rau sạch.

 

         Có thể kể đến các dự án tiêu biểu của các DN như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM - Saigon Co.op đầu tư 4 trung tâm phân phối, kho lưu trữ tại các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang và Bắc Ninh với tổng diện tích 60.000m2, đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng. Công ty Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung cấp bình quân mỗi năm khoảng 60.000 con heo hậu bị và heo giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 80% sản lượng cung ứng cho 15 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, chủ yếu là Đồng Nai và Bình Dương. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đầu tư và đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa hiện đại tại tỉnh Bình Dương, với tổng vốn 4.600 tỷ đồng, đầu tư 1.600 tỷ đồng xây dựng Tổ hợp các trang trại bò sữa rộng 2.000ha tại Thanh Hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn ISO và GlobalGAP. Công ty TNHH San Hà đầu tư Nhà máy Giết mổ gia cầm tại Long An…

 

        Trong số các DN và dự án đầu tư kể trên, có tới 23 DN bình ổn thị trường thực hiện đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 siêu thị, trung tâm thương mại; 55 cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, với tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 chợ đầu mối của TPHCM còn tiếp nhận, tiêu thụ bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương.

 

             Việc liên kết đầu tư, phát triển sản xuất tại các tỉnh, thành trong 5 năm qua đã giúp các DN TPHCM chủ động trong công tác tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất lượng, ổn định giá thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

 

 

               Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết đầu tư còn gặp một số trở ngại, khó khăn. Cụ thể, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác tốt do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối đến nay còn nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do DN nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm…

 

         Để thực hiện tốt các dự án đầu tư trong giai đoạn mới (2016-2020), Sở Công thương TPHCM đề xuất với các tỉnh, thành hợp tác là cần chủ động tiếp cận, rà soát các DN, các đơn vị sản xuất có tiềm năng để hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, đưa vào hệ thống phân phối hiện đại, hướng đến xuất khẩu. Mặt khác, cần thực hiện phân công đầu mối liên lạc, cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về tình hình sản xuất, công tác quy hoạch của từng địa phương. Theo dõi, kiểm tra tiến độ và thực hiện chế độ báo cáo, giao ban định kỳ 6 tháng giữa các địa phương để cập nhật và điều chỉnh kịp thời, giúp chương trình hợp tác đi vào chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả.

 

THÁI NGUYỆT