Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Online, đăng ngày thứ 4, 20/7/2016
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay tại Hà Nội, trao đổi với Báo SGGP bên lề cuộc họp, nhiều ĐBQH đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường tại các tỉnh ven biển miền Trung thời gian gần đây.
Cơ quan chức năng lấy mẫu chất thải của Formosa chôn lấp trong một trang trại ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ảnh: Dương Quang
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: “Tôi ủng hộ việc thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc Formosa”
Tôi cho rằng việc giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp phải nỗ lực, sâu sát và kiên quyết hơn, vì không loại trừ do cơ cấu mà Quốc hội vẫn có phần cả nể. Luật Tổ chức Quốc hội đã cho phép thành lập những đoàn giám sát đột xuất, những ủy ban lâm thời để kiểm tra một vấn đề gì đó, nhưng thực tế dường như Quốc hội chưa bao giờ làm việc này.
Tôi ủng hộ quan điểm nên thành lập Ủy ban lâm thời xem xét các vấn đề môi trường nổi cộm, trước mắt là tập trung vào trường hợp Formosa và các dự án tương tự. Vấn đề Formosa là vấn đề của 70 năm tới, mà ngay trong giai đoạn đầu này đã thấy xuất hiện nhiều vi phạm, thể hiện sự coi thường luật pháp Việt Nam, coi thường quyền lợi của người dân Việt Nam. Với những hành vi như đã được phanh phui trên công luận, có thể thấy công tác hành pháp đã sơ hở và có lúc tôi có cảm giác như cơ quan quản lý nhà nước đã bất lực trước những sai phạm đó, kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) trả lời báo chí. Ảnh: Lã Anh
Vụ việc Formosa Hà Tĩnh vừa qua là một bài học đắt giá. Việt Nam đang phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm trong quản lý môi trường của mình. Đây là vấn đề nhiều nước đã gặp phải trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ có điều các nước phát triển đi trước đã trả giá sớm hơn mà thôi.
Tôi cho rằng, song song với những nỗ lực phục hồi môi trường biển miền Trung sau vụ việc này, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc để giám sát chặt chẽ những dự án công nghiệp ven biển. Tôi được biết, mới đây Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang kiểm tra, phân tích mẫu nước thải từ việc súc rửa đường ống dẫn dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Chỉ khi các mẫu nước thải này ở mức an toàn, Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới tiếp tục được phép xả ra biển. Đây là sự thận trọng hết sức cần thiết.
Nhìn rộng hơn, bộ máy chính quyền phải làm việc với nhà đầu tư kỹ càng hơn nữa, cũng như gần dân hơn nữa để nắm bắt kịp thời mọi động thái bất thường trong quá trình đầu tư và có giải pháp hữu hiệu trước khi quá muộn. Muốn vậy, cần phân cấp quản lý biển cụ thể hơn, gắn với trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương. Để cá chết đã là đã muộn, nhưng ngay lúc đó lẽ ra các sở Khoa học Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường của địa phương phải chủ động thu thập mẫu nước, mẫu cá, mẫu trầm tích. Như thế thì việc phân tích, đánh giá, xử lý sẽ chính xác và hiệu quả hơn nhiều.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): “Làm sớm, quyết liệt để củng cố lòng tin của nhân dân”
Ba tháng qua, Chính phủ đã làm được nhiều việc, trong đó đáng lưu ý là việc điều tra nguyên nhân vụ gây ô nhiễm môi trường ở miền Trung. Tuy nhiên, phải nói là việc giải quyết vụ việc này có phần chậm trễ so với mong đợi của nhân dân, được giải thích là do cần phải có thời gian đánh giá về các chứng cứ khoa học. Nhưng tôi nghĩ là nếu làm quyết liệt hơn, trả lời sớm hơn, đầy đủ hơn thì chắc là dư luận bớt dị nghị, niềm tin của người dân vào chính quyền được củng cố.
ANH PHƯƠNG ghi