Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Online - KINH TẾ, đăng ngày thứ hai, đăng ngày 18/4/2016
Thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, với các mặt hàng tôm, cá tra, hải sản… xuất khẩu trên 100 nước, có những thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Việt Nam hiện trở thành một trong những nước sản xuất, chế biến hàng đầu thế giới.
Bên trọng, bên khinh
Có được thành tựu này là do ngành thủy sản hội nhập sớm, sâu và rộng, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo từng thị trường. Ngành thủy sản xuất khẩu phải tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi liên kết từ việc kiểm soát con giống, thức ăn, quy trình nuôi, thu hoạch, vận chuyển, đến nhà máy chế biến. Chưa thể nói tất cả hoàn hảo, nhưng mặt hàng thủy sản có mức tăng trưởng đều. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản là đáng lo ngại.
Cá thu đeo thẻ tại Trạm Trung chuyển thủy sản Cần Thơ
Cá thu đeo thẻ tại Trạm Trung chuyển thủy sản Cần Thơ
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới có số nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu vào các nước EU, thế nhưng với hơn 93 triệu người tiêu dùng trong nước, các mặt hàng thủy sản bị ướp hàn the, sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản, vận chuyển… lại đang là những mối nguy đe dọa đến sức khỏe con người. Nếu nói buông lỏng thì hơi quá đáng, nhưng quả là có khoảng cách khá lớn về chất lượng, nhất là ATVSTP, trong việc nuôi trồng thủy sản giữa 2 thị trường nội địa và xuất khẩu. Có một thực tế, khi hàng chế biến thủy sản xuất khẩu bị phát hiện có dư lượng và trả về thì lại được tiêu thụ trong nước! Không ít người tiêu dùng cho rằng, điều này chẳng khác gì “bên trọng, bên khinh” giữa 2 thị trường. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, cụ thể là dẫn đến việc lờn thuốc kháng sinh. Đây là điều mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo. Vì vậy, vấn đề ATVSTP và xây dựng chuỗi thực phẩm, nhất là chuỗi thủy sản đã được Bộ NN-PTNT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
VietGAP thủy sản
Nhằm hiện thực hóa sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” mà 6 tập đoàn hàng đầu thế giới liên quan đến nông nghiệp có mặt tại Việt Nam đề xuất tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ), xây dựng chuỗi liên kết nông sản để đảm bảo ATVSTP, ổn định, từng bước nâng cao thu nhập nông dân và môi trường sống tốt hơn, từ năm 2011, Metro Cash & Carry Việt Nam triển khai dự án hợp tác công tư - PPP. Theo đó, Metro Cash & Carry Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản an toàn cho thị trường nội địa (vốn đang bị bỏ ngỏ): Trạm trung chuyển thủy sản Metro Cần Thơ, nơi cung cấp 70% - 80% lượng thủy hải sản cho 19 trung tâm Metro cả nước.
Anh Lê Văn Cảnh, quản lý thu mua ngành hàng thủy hải sản, cho biết khối lượng giao dịch hàng ngày tại đây từ 5 - 7 tấn, tối đa 10 tấn/ngày, trong đó nguyên liệu chế biến 2 - 3 tấn/ngày. Hơn 80 loài thủy sản với hơn 500 đơn vị sản phẩm (mã hàng) được nhập hàng ngày tại trạm. Đây là nguồn hàng từ các hộ nông dân, trang trại nuôi trồng liên kết với Metro Cash & Carry Việt Nam, với khả năng cung ứng trên 13.500 tấn/năm và được bao tiêu toàn bộ sản lượng với giá ổn định sao cho người nuôi không bị lỗ. Trong đó, có 41 mã hàng được cấp chứng nhận VietGAP (Thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam), trên 50 tấn/tháng, đóng góp 33,3% tổng khối lượng tiếp nhận. Những sản phẩm này được kiểm tra 24 lần/năm, nhờ đó việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn. Trạm trung chuyển lên kế hoạch cả năm, phân bổ và rải đều giữa các nông trại và nên biết rõ thời gian thu hoạch, lượng thu hoạch từng nông trại. Với sản phẩm chưa có chứng nhận VietGAP, trước khi mua, chủ nông trại phải kiểm tra trước, chứng minh chất lượng sản phẩm là an toàn, không có kháng sinh.
Mới đây, khi trở lại Trạm Trung chuyển thủy sản Cần Thơ của Metro Việt Nam, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là có nhiều loại cá như cá chẽm, cá thu, cá bớp… còn được “đeo thẻ” riêng từng cá thể. Trên thẻ có thông tin về loài cá, nguồn gốc hàng, số seri. Những khay đựng cá đã được sơ chế, đóng gói cũng dán nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thời gian tới, đạt các tiêu chuẩn VietGAP đồng nghĩa với việc được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Với thẻ này, khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc trong từng cá thể sản phẩm, biết được sản phẩm là nuôi trồng hay đánh bắt, đơn vị cung cấp, mã cơ sở nuôi trồng, ngày nhận hàng... Nhưng để xây dựng được các chuỗi liên kết, hình thành các mô hình VietGAP không hề đơn giản.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu kết hợp với các chủ nông trại cung cấp nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, việc áp dụng quy trình VietGAP thuận lợi hơn như trường hợp chủ trại cá Nguyễn Minh Phương (cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ), với 30ha mặt nước nuôi nhiều loại cá cung ứng để chế biến xuất khẩu. Vài năm nay, anh hợp tác với Metro Cash & Carry Việt Nam, doanh thu khoảng 8 tỷ đồng/năm. Theo anh, cách thức hỗ trợ kỹ thuật và việc thu mua với giá hợp lý giúp người nuôi ổn định cả năm, giúp anh đa dạng hóa đầu ra.
Anh Lê Văn Cảnh cho biết: “Chúng tôi nói rõ cho những người tham gia, việc tạo ra nông sản chất lượng, an toàn là trách nhiệm người sản xuất, nhưng nhận thức của nông dân còn hạn chế. Vì vậy, năm 2011, khi bắt đầu, khoảng 300 nông dân và 50 thương lái đã được tập huấn tiêu chuẩn Metro Requirements (khi chưa có tiêu chuẩn VietGAP) về thủy sản tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Sau đó, 120 nông hộ và 20 thương lái đăng ký áp dụng tiêu chuẩn Metro Requirements, được tiếp tục tư vấn và huấn luyện nhiều lần trong việc áp dụng những nội dung liên quan đến thực hành tốt trong nuôi trồng. Sau 3 - 5 tháng áp dụng, những hộ, trang trại hay thương lái được đánh giá và có 27 trường hợp được chứng nhận VietGAP, được cấp mã số vùng để truy xuất nguồn gốc 6 loài (cá điêu hồng, ếch, cá lóc, cá tra, lươn, thác lác). Ngoài ra, 20 trường hợp tiếp tục được tập huấn về VietGAP để được chứng nhận thời gian tới”. |
ĐĂNG LÃM