Doanh nghiệp cam kết mua hải sản, ngư dân bớt lo

Doanh nghiệp cam kết mua hải sản, ngư dân bớt lo

11, August, 2016

Theo Báo Tuổi Trẻ Online, đăng ngày 2/5/2016,

TTO - Ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã bớt lo khi sau nhiều ngày lao đao, họ đã tìm được lối ra cho hải sản đánh bắt được.

Cá đưa từ tàu lên bờ, sau khi cân thu mua xong được chuyển ngay lên xe đông lạnh chờ sẵn ở cảng sông Gianh (Quảng Bình) vào ngày 1-5 - Ảnh: Lam Giang

Ngày 1-5, nhiều tàu đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và DK1 của ngư dân Quảng Bình đã về cập cảng cá sông Gianh (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) và các cảng cá tỉnh bạn.

Tại cảng sông Gianh, ngay sau khi hải sản được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Quảng Bình xác nhận nguồn gốc, kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, ngư dân đã bán hết toàn bộ 28 tấn của ba tàu. Bảy tàu khác với 68 tấn hải sản vào các cảng tỉnh bạn cũng đã bán hết.

Chia sẻ khó khăn 
với ngư dân

Tại cảng sông Gianh, đồng hành và chia sẻ với ngư dân đang gặp khó khăn, siêu thị Co.op Mart Quảng Bình đã lập điểm thu mua hải sản và bắt đầu kế hoạch mua trên 2.000 tấn.

Riêng trong ngày 1-5, Co.op Mart đã mua hơn 10 tấn. Ông Trần Quốc Việt, đại diện Co.op Mart, khẳng định Co.op Mart sẽ đồng hành lâu dài với ngư dân trong thu mua hải sản.

Chị Hoàng Thị Thuận, giám đốc Công ty TNHH Thuận Lợi, cho biết công ty đã mua 5 tấn cá các loại và sẽ còn mua nhiều nữa để đưa vào cho bạn hàng ở Đà Nẵng.

Anh Phạm Văn Hòa, chủ tàu QB 92174 TS, vừa cho tàu cập cảng xong đã có gần chục lao động chờ sẵn. Những con cá nục, cá lá tre... tươi rói được bốc lên bờ. Tàu anh Hòa có 5 tấn cá, chỉ sau một giờ đã bán hết sạch.

Anh không giấu được sự hân hoan: “Lo quá, không ai mua thì "chết" cả tàu! Như ri thì phải chuẩn bị mọi thứ để ra khơi lại thôi”. Sau tàu anh Hòa là tàu QB 98145 TS của anh Hoàng Nồm. Tàu cập cảng với 21 tấn cá.

Toàn bộ số cá trên tàu anh Nồm được Công ty Phước Sang mua hết với tổng trị giá gần 400 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Hương, giám đốc Công ty Phước Sang, cho biết công ty sẽ mua số lượng lớn hải sản với giá chung trên thị trường chứ không hề hạ giá trong thời điểm ngư dân đang gặp khó khăn này.

Tại cảng cá sông Gianh, ông Nguyễn Xuân Đạt - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình, cho biết sẽ không để xảy ra hiện tượng đầu nậu ép giá ngư dân khi thu mua.

Ông Trần Đình Du, phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết tỉnh và các ngành, các địa phương sẽ giúp ngư dân tiêu thụ hải sản. Trước mắt, ngoài các doanh nghiệp đã thu mua, tỉnh tiếp tục tìm kiếm thêm mối tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác.

Như vậy chỉ trong hai ngày 30-4 và 1-5, ngư dân Quảng Bình đã bán được hơn 100 tấn hải sản các loại do tàu khai thác xa bờ đưa về.

“Trong những ngày tới còn có hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ tiếp tục về bến với sản lượng trên 1.000 tấn. Với sức thu mua và sự ủng hộ hết lòng của các doanh nghiệp và bà con tiểu thương như vừa qua, chắc chắn ngư dân Quảng Bình yên tâm về và yên tâm ra khơi rồi” - ông Du nói.

Doanh nghiệp cam kết mua hải sản, ngư dân bớt lo
Cảnh mua bán cá đã tấp nập trở lại ở chợ Hôm, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, chiều 1-5 - Ảnh: Văn Định

Hà Tĩnh: 
hoạt động mua cá 
trở lại bình thường

Trở lại cảng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), chúng tôi nhận thấy tình hình buôn bán cá và các loại hải sản khác đã trở lại bình thường. Ở đây, ngoài việc hàng tấn sò lụa được các thương lái mua sạch thì cá, mực cũng được thu mua.

Theo HTX Thiên Phú (đóng trong cảng), sáng 1-5 đã có một tàu của tỉnh Quảng Bình đánh được 6 tạ cá nục vào bán và đã được thu mua. Cơ sở này cam kết sẽ đồng hành cùng ngư dân thu mua hải sản, chia sẻ khó khăn cùng người đi biển.

Còn tại cơ sở thu mua hải sản Toàn Tứ, bà Trần Thị Tứ cho biết vẫn thường xuyên thu mua cá, mực các loại của ngư dân đi biển về. “Chúng tôi thu mua bình thường, ngư dân đưa lên bao nhiêu thì thu mua bấy nhiêu” - bà Tứ nói.

Cũng theo bà Tứ, thời gian qua gia đình bà cũng như gia đình hàng xóm đều ăn cá, mực bình thường: “Thậm chí chúng tôi còn gửi cá, mực vào cho con cái đang học ở Sài Gòn để chúng ăn”.

Chúng tôi tìm về chợ Hôm, chợ lớn nhất tại xã Thạch Kim, thấy các loại cá biển vẫn được bày bán tại đây, nhiều người vẫn mua cá bình thường. Nhiều bà nội trợ vừa mua cá vừa cho biết họ vẫn ăn cá, mực bình thường trong thời gian qua.

“Ở đâu sợ thì không biết, nhưng bà con tụi tui ở đây chẳng ngại gì, mà cá ăn hoài vẫn an toàn đó thôi” - bà Nguyễn Thị Tình (xóm Liên Tân, Thạch Kim) cười nói. Còn bà Nguyễn Thị Thường (xóm Long Hải, Thạch Kim) cho biết ngày nào cũng bán gần hết số cá mua dưới tàu khoảng vài chục ký.

Theo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, sở thành lập đoàn công tác khoảng 30 người chia thành các tổ về các địa phương chỉ đạo công tác thu mua hải sản cho bà con, cấp giấy chứng nhận hải sản xa bờ cho ngư dân.

Sở Công thương cũng đã có chỉ đạo các cơ sở chế biến thủy hải sản thu mua cá sạch cho bà con ngư dân.

Nhiều tỉnh đề nghị hỗ trợ ngư dân

Tại cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 1-5, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị có chính sách miễn giảm thuế đối với những hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ở các địa phương ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp do tình trạng cá chết.

Tỉnh Quảng Trị đề nghị có chính sách hỗ trợ mỗi chủ hộ có tàu đánh bắt ven bờ (từ 20CV trở xuống) với mức 5 triệu đồng/tháng trong thời gian tạm dừng đánh bắt để giải quyết khó khăn về đời sống.

Cho phép các hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại do cá chết được hưởng mức hỗ trợ như các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh.

Quảng Trị cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước VN sớm có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc, miễn giảm lãi vay cho các đại lý thu mua và doanh nghiệp dịch vụ nghề cá, các tổ chức, cá nhân tham gia đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và các doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục được vay vốn mua nguyên liệu đánh bắt ở các ngư trường an toàn, có chương trình ưu đãi vay vốn cho các hộ đánh bắt ven bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ.

Về cụ thể, các tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí như: Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ 95 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo, Quảng Bình đề nghị 186 tỉ và 2.700 tấn gạo, Quảng Trị đề nghị 134,91 tỉ và 800 tấn gạo.

Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) cho biết đã có báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ bà con ngư dân vay vốn đóng tàu theo nghị định 67 của Chính phủ.

Theo đó, BIDV đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tham gia cho vay đóng tàu theo nghị định 67 của Chính phủ, trước mắt sẽ ngừng tính lãi trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày 8-4-2016 đối với các khoản vay của bà con ngư dân là chủ tàu đã hoàn thành việc đóng tàu, đưa vào khai thác, sử dụng nhưng không bán được cá đã khai thác.

Đối với những khoản vay đến kỳ hạn trả nợ gốc, lãi, ngân hàng sẽ cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ của khoản vay theo hướng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, lãi xuống từ 2 đến 3 kỳ.

A.H. - H.K. - T.V.