Hạn hán, ngập mặn và sự thích ứng

Hạn hán, ngập mặn và sự thích ứng

11, August, 2016

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng Online, đăng ngày thứ 6, 8-4-2016

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với đợt hạn và ngập mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt với mùa hè ngày càng nắng nóng, còn mùa đông thì rét sâu kéo dài kỷ lục. Nước biển dự báo sẽ ngày càng dâng cao và đe dọa những vùng ven biển nước ta. Đó chỉ là những phần nổi của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra. Đến thời điểm này, câu chuyện biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất nóng lên, nước biển dâng... không còn xa lạ nữa. Và ai cũng nhận thấy, phần lớn của quá trình đó là do con người gây ra. Đó là khai thác cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên, ngăn sông làm thủy điện, hủy hoại rừng trên diện rộng, thải khí CO2 vào bầu khí quyển quá nhiều, tàn phá môi trường sống tự nhiên. Câu chuyện ở dải đất ven biển miền Trung là rất rõ, khi các thủy điện giữ hết nước vào mùa khô gây hạn hán nghiêm trọng ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam... để rồi đến mùa mưa lại xả lũ ồ ạt, khiến người dân lao đao, khổ sở. Hay việc thiếu nước, ngập mặn ở ĐBSCL là do hàng loạt nhà máy thủy điện xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong, giữ phần lớn nước nguồn chính con sông.

Với những gì đang diễn ra ở ĐBSCL, câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải làm gì để giúp đời sống của người dân nơi đây tránh tác động bất lợi. Theo nhiều nhà khoa học, chúng ta không thể suốt ngày kêu gọi “đối phó” hay “chống hạn, chống mặn”. Bởi, với những gì đã và đang diễn ra, tình trạng này chắc chắn sẽ còn diễn ra, lặp lại. Và với câu chuyện nguồn nước sông Mekong, khi hàng chục dự án thủy điện đã và sẽ xây dựng trên dòng chính cũng như dòng phụ ở các nước khác, thì việc “làm chủ nguồn nước” cho hạ lưu sông Mekong, vùng ĐBSCL không thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng và lâu dài là chúng ta phải tìm cách thích nghi với điều kiện đó, nhất là sản xuất nông nghiệp.
 
Với phương án này, cần có những nghiên cứu về thủy lợi cũng như giống cây trồng mới thích hợp; tìm ra những giống cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của các nhà hoạch định chính sách và khoa học Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, trên thực tế ở Cần Thơ đã tạo ra giống lúa tương đối tốt, chịu được độ mặn rất cao, nhưng chất lượng của loại gạo đó chưa tốt, nên chưa thuyết phục người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là một trong các giải pháp để đảm bảo được an ninh lương thực, là cơ sở ban đầu để tiếp tục nghiên cứu giống lúa, hoặc những cây trồng khác thích hợp với các vùng đất ngập mặn.

Cũng nhằm để thích ứng với tình trạng ngập mặn ngày càng gia tăng ở ĐBSCL, các nhà khoa học đề nghị cần sớm quy hoạch lại diện tích trồng trọt ở vùng này. Để những vùng đất trồng lúa tốt thì giữ cho mặn không xâm nhập, tiếp tục trồng lúa; còn những vùng đất đã bị nhập mặn và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ đưa giống cây, vật nuôi phù hợp như tôm, cua, cá... Về giải pháp thủy lợi, ngoài việc làm đê ngăn mặn tạm thời, chúng ta có thể dùng kết quả nghiên cứu của ngành thủy lợi Việt Nam về đập sà lan. Khi mực nước xuống thấp, chúng ta có thể dùng đập sà lan chắn để dâng cao mực nước, tránh hạ nguồn các bậc sông, giúp giữ được nước ngọt và chống ngập mặn. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, cần có biện pháp dài hạn để ứng phó, thích nghi với tình trạng đó, cũng như cần nghiên cứu để đảm bảo nước ngọt cho cả vùng ĐBCSL khi mùa hạn kéo dài, khi nguồn nước sông Mekong không đủ đáp ứng.

Theo các nhà khoa học, trước tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu cũng như tác động của con người trên phần thượng nguồn sông Mekong, vấn đề của ĐBSCL không còn là việc kiểm soát lũ, chuyện chống hạn, xâm nhập mặn... Mà là cần những kịch bản, giải pháp hiệu quả để người dân nơi đây có thể sống chung với hạn, với mặn hay lũ. Có như vậy, vùng ĐBSCL mới có thể yên tâm trước những biến đổi ngày càng gay gắt về điều kiện tự nhiên và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung không bị tác động bất lợi đối với diễn biến biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

TRẦN LƯU