Hiện trạng sản xuất giống và nuôi cá tầm ở Việt Nam

Hiện trạng sản xuất giống và nuôi cá tầm ở Việt Nam

11, August, 2016

Theo Tepbac- Tư duy không giới hạn

Cá tầm là một đối tượng thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, cá tầm được đưa vào nuôi từ năm 2005 với những nỗ lực nhằm khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã thu được những kết quả ban đầu.

Kết quả thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá tầm Sterlet của Công ty CP Cá tầm phương Bắc, Yên Bái năm 2011. (Hình bên trái là mổ kiểm tra cá cái; hình bên phải là trứng đã được lấy ra; hình tay trái bên dưới là buồng trứng còn lại sau khi đã lấy trứng).

Mở đầu

Cá tầm là một đối tượng thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, cá tầm được đưa vào nuôi từ năm 2005 với những nỗ lực nhằm khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã thu được những kết quả ban đầu.

Hiện nay, cá tầm đã được nhiều địa phương coi là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, góp phần vào khai thác tối đa nguồn lợi nước lạnh tại các khu vực phù hợp. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm vừa qua tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức (FAO, 2012).

Bên cạnh phát triển nuôi thương phẩm, việc sản xuất giống các đối tượng cá tầm cũng đã bước đầu được triển khai với một số kết quả khả quan. Bài viết này tóm tắt về hiện trạng và những điểm cần lưu ý đối với hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tầm tại Việt Nam.

Hiện trạng nuôi cá tầm tại Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam có 4 loài cá tầm đang được nuôi tại các trang trại nuôi thủy sản ở các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là cá tầm Siberi (Acipenser baerii), cá tầm beluga (Huso huso), cá tầm Nga (A. gueldenstaedtii) và cá tầm sterlet (A. ruthenus). Trong đó, đối tượng nuôi phổ biến nhất tại hầu hết các cơ sở nuôi là cá tầm Siberi. Cá tầm Trung hoa (A. sinensis) cũng được đưa vào nuôi thử nghiệm tại Việt Nam từ vài năm trước.

Trong các loài cá tầm đang nuôi tại Việt Nam thì cá tầm beluga có tốc độ lớn nhanh nhất, năm đầu tiên đã có thể đạt 1,9 – 3,2 kg, năm thứ hai là 4,7 – 6,9 kg và năm thứ 3 là 7,0 – 10,2 kg. Tuy nhiên loài cá này có tuổi thành thục rất muộn (10 – 15 năm).

Cá tầm Nga năm đầu tiên đạt 1,2 – 2,2 kg, năm thứ hai đạt 2,4 – 3,8 kg và năm thứ 3 đạt 4,0 – 6,5 kg. Loài này có chất lượng trứng đứng vào hàng đầu trong số các loài cá tầm nuôi, chỉ sau cá tầm beluga. Trong điều kiện nuôi trong ao cá tầm Nga cũng thành thục sớm (3 – 4 tuổi).

Cá tầm Siberi có tốc độ lớn như cá tầm Nga hoặc nhanh hơn đôi chút; giá trị của thịt và trứng cá không khác lắm, nhưng thành thục muộn hơn khoảng 1 – 2 năm so với cá tầm Nga. Cá tầm sterlet có tốc độ tăng trưởng chậm và có kích cỡ nhỏ hơn so với 3 loài cá trên.

Cá tầm Trung Hoa cũng được nuôi thử nghiệm ở nước ta, tuy nhiên do có tốc độ tăng trưởng chậm và cá thương phẩm không được ưa chuộng trên thị trường nội địa bằng các đối tượng khác nên không được nuôi phổ biến.

Loài cá tầm Siberi có mặt tại Việt Nam sớm nhất, từ năm 2005 do Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 nhập về từ Liên bang Nga và được ấp nở và ương giống thành công. Đối tượng này đã được nuôi thử nghiệm ở nhiều địa điểm khác nhau ở Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Na Hang (Tuyên Quang), hồ chứa Thác Bà (Yên Bái), Đà Lạt (Lâm Đồng), hồ Đa Mi (Bình Thuận) ... với các phương thức nuôi lồng, nuôi bể và nuôi nước chảy cho thấy khả năng thích nghi rất cao.

Năm 2007, Công ty cổ phần Hà Quang đã kết hợp với các chuyên gia Nga tiến hành thử nghiệm ấp nở trứng cá, nuôi cá tầm Siberi, Nga, sterlet tại hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng) và đã thành công. Tháng 11/2007, công ty này đã chuyển giao cho Công ty TNHH cá Tầm Việt Nam tại Đà Lạt. Năm 2008, Công ty TNHH Cá Tầm Việt Nam đã áp dụng kỹ thuật nuôi cả 4 loại cá tầm là cá tầm sterlet, Nga, beluga và cá tầm Siberi trên hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận).

Tháng 7/2008, nhiệt độ nước tại hồ này ở mức 30,50C, nhưng hơn 20.000 con cá tầm Siberi, Nga, sterlet vẫn sống khỏe mạnh, ăn tốt, tăng trọng đạt yêu cầu. Ước tính sản lượng cá tầm của Công ty Cá Tầm Việt Nam năm 2009 khoảng 300 tấn và dự kiến đạt 800 – 1000 tấn vào năm 2010. Công ty còn có định hướng ngoài việc nuôi và XK cá tầm còn nuôi cá tầm để lấy trứng (chế biến món trứng cá muối caviar) xuất khẩu với mục tiêu chính trong một vài năm tới sẽ xuất khẩu trứng cá tầm sang các nước Nhật, Mỹ, Nga...

Công ty Cổ phần Cá Tầm Phương Bắc (tại Thịnh Hưng, Yên Bình, Yên Bái) cũng tận dụng nguồn nước suối lạnh để xây dựng trại ương giống cá tầm tại xã Thượng Bàng La, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), nuôi thương phẩm cá tầm Siberi và Nga tại hồ chứa Thác Bà. Đến nay, mô hình thử nghiệm đã tạo ra được hàng chục nghìn cá tầm giống và đã nuôi 7 lồng cá thương phẩm (ước tính trị giá mỗi lồng là 1 tỷ đồng). Đây là cơ sở quan trọng để từ tháng 9/2009, công ty mở rộng quy mô để đạt tới sản lượng từ 200 đến 300 tấn cá thương phẩm vào năm 2010, đồng thời lựa chọn tạo được khoảng 1.000 con cá bố mẹ, từng bước nghiên cứu cho sinh sản để chủ động nguồn giống, mở rộng và phát triển việc nuôi cá tầm ở Yên Bái.
Một số DN khác như Công ty Giang Ly (Đà Lạt, Lâm Đồng), Công ty Thiên Hà (Sa Pa, Lào Cai), Công ty TNHH Thủy điện Chu Va... cũng đầu tư nuôi cá tầm nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Hình thức nuôi cá tầm tại Việt Nam hiện nay khá đa dạng, đó là nuôi trong bể, ao và nuôi ao nước chảy sử dụng nước từ các suối lạnh, và nuôi lồng trên hồ chứa. Do phần lớn cá tầm được nuôi ở điều kiện nhiệt độ 16 – 280C nên tốc độ sinh trưởng của cá nhanh hơn từ 1,5 – 2,0 lần so với cá nuôi tại các nước ôn đới; hệ số thức ăn thấp hơn, thời gian nuôi đạt đến cỡ thương phẩm ngắn nên chi phí nhân công thấp hơn. Từ những lợi thế này, sản phẩm cá tầm nuôi tại Việt Nam có ưu thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm sản xuất tại các nước ôn đới.

Năng suất nuôi cá tầm trong 5 năm trở lại đây luôn được cải thiện một cách đáng kể, từ 7-10kg/m3 trong những năm đầu tiên, năng suất cá tầm được đẩy lên 20-30 kg/m3 và 50 kg/m3 cùng với việc cải thiện hệ thống nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật ngày càng hoàn thiện tại các trang trại nuôi cá tầm.

Hiện nay, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III đã hoàn thiện được quy trình công nghệ nuôi công nghiệp cá tầm trong hệ thống tuần hoàn khép kín cho năng suất 61,67kg/m3, tỷ lệ sống đạt 95,7%, FCR là 1,036, tốc độ tăng trưởng đạt 8,46g/ngày, cao hơn so với nuôi cá tầm trong lồng (năng suất 33,72kg/m3, tỷ lệ sống 88,7%, FCR là 1,033, tốc độ tăng trưởng 7,86g/ngày). Việc phổ biến công nghệ này tại các cơ sở nuôi sẽ góp phần đẩy mạnh sản lượng cá Tầm nuôi và góp phần thúc đẩy sự hình thành ngành công nghiệp nuôi cá tầm khai thác trứng và sản xuất caviar tại Việt Nam.

Hiện trạng sản xuất giống cá tầm tại Việt Nam

Sản xuất giống cá tầm chủ yếu dựa vào nguồn trứng cá thụ tinh nhập từ các quốc gia có nền công nghiệp nuôi cá tầm phát triển mạnh như Nga, Đức, Hungary... Trong đó, nguồn nhập trứng cá chủ yếu tại thời điểm này là Nga, Ucraina và Đức. Từ năm 2005, khi bắt đầu nhập lô trứng cá tầm Siberi đầu tiên về Việt Nam, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã ấp nở thành công và phát triển đàn cá tầm Siberi đầu tiên tại Sa Pa (Lào Cai) với tỷ lệ nở đạt trên 70%.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu tỷ lệ thành công trong giai đoạn ương cá hương đạt rất thấp (khoảng 10%), số lượng cá giống đạt chuẩn dưới 20%. Mặc dù vậy, những thành công bước đầu là tiền đề để đẩy mạnh hoạt động sản xuất giống cá tầm ở Việt Nam trong những năm tiếp sau. Những năm sau đó, tỷ lệ ấp nở cá bột liên tục được cải thiện thông qua việc theo dõi chặt chẽ các giai đoạn phát triển, cải thiện khâu chăm sóc, thức ăn cung cấp cho cá... Cho tới nay, tỷ lệ ấp ương cá tầm Siberi tới con giống đã đạt tới trên 80% và chất lượng con giống đảm bảo.

Giống cá tầm Nga, cá tầm beluga hay cá tầm sterlet cũng được sản xuất thông qua phương thức nhập trứng cá thụ tinh từ nước ngoài và ấp nở tại Việt Nam. Hiện nay, việc sản xuất và cung cấp giống cá tầm chủ yếu dựa vào các cơ sở nghiên cứu của các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và III tại Lào Cai và Lâm Đồng, cùng với các DN thủy sản nước lạnh tại khu vực phía Bắc và Tây Nguyên như: Công ty Cá Tầm Việt Nam, Công ty Cá Tầm phương Bắc, Công ty TNHH&TM Việt Đức ... Các đơn vị này đã từng bước xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống và chương trình nuôi vỗ cá bố mẹ, thử nghiệm sinh sản nhân tạo các loài cá tầm đang được nuôi. Việc nghiên cứu sản xuất giống cá tầm cũng được các DN và các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước chủ động tiến hành trong những năm gần đây.

Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I là cơ sở đầu tiên tiến hành các nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tầm Siberi dựa trên đàn cá bố mẹ 7 năm tuổi (được lưu giữ từ năm 2005). Viện 1 cũng tiến hành các nghiên cứu cải tiến các công thức thức ăn sử dụng cho các giai đoạn khác nhau của cá tầm trong điều kiện Việt Nam.

Kết quả ban đầu cho thấy, một số lượng lớn cá tầm cái có trứng đạt giai đoạn 3 từ năm thứ 4 và cho chất lượng rất tốt ở năm thứ 5. Từ cuối năm 2009 đầu năm 2010 (10/2009-01/2010), các kết quả kiểm tra đàn cá bằng que thăm trứng cho thấy có cá cái có trứng phát triển đến giai đoạn IV, đường kính trứng dao động trong khoảng 2,5 – 3,0 mm.

Đánh giá mức độ thành thục của trứng bằng phương pháp xác định chỉ số lệch cực trứng (PI) cho thấy có 75% cá cái kiểm tra có đa số trứng có chỉ số PI < 0,1 (thể hiện cá đã thành thục). Hệ số thành thục của một số cá cái đã mổ dao động trong khoảng 10 – 13%. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy một tỷ lệ khá cao cá cái có trứng đang ở giai đoạn III (hình 1).
Kết quả này cho thấy có một số khác biệt về đặc điểm sinh học sinh sản của cá tầm Siberi nuôi tại Việt Nam so với cá nuôi tại các nước ôn đới, như:
Tuổi thành thục: cá cái chưa đến 5 tuổi đã thành thục (tỷ lệ thành thục gần 10%) trong khi tại những nước khác phải trên 6 tuổi.
Thời gian cá thành thục sinh dục: Tại các nước ôn đới thì thời gian cá thành thục và sinh sản vào mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 4 tại nhiệt độ nước 13 – 160C (Panomanov, 2009), từ tháng 1 đến tháng 5 tại nhiệt độ nước 9 – 220C (Smolyanov, 1995). Một điểm quan trọng nữa trong các nghiên cứu này cho thấy cá tầm Siberi nuôi tại Việt Nam có khả năng tái phát dục ngay năm sau đó (Bùi Thế Anh, 2009; Nguyễn Đức Tuân, 2011).

Như vậy, tiềm năng của việc sản xuất giống cá tầm tại Việt Nam là rất có triển vọng.

Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 cũng đã hợp tác triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển nuôi và sản xuất giống cá tầm Nga và cá tầm Siberi tại Tây Nguyên với các nhà khoa học Nga (Viện hàn lâm Khoa học Nga) nhằm xây dựng đàn cá bố mẹ và quy trình nuôi vỗ thành thục 2 loài cá trên tại tỉnh Lâm Đồng. Dự án đã thu được những thành công ban đầu trong việc nghiên cứu sinh sản cá tầm.

Các DN khác như Công ty cá Tầm Phương Bắc, Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam, Công ty Sản xuất Trứng cá tầm Việt Nam... cũng đang xúc tiến xây dựng các trại sản xuất giống và chuẩn bị đàn cá tầm bố mẹ cho nhiều đối tượng để tiến hành sản xuất giống trong thời gian tới. Các DN này cũng đã tiến hành các thử nghiệm đối với cá tầm sterlet, tầm Nga trong vòng 6 năm trở lại đây và đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nuôi cá tầm lấy trứng. Tuy nhiên, đây mới chỉ đang là những bước đi đầu tiên để có được một công nghệ hoàn chỉnh cần được tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới. Hiện nay, công ty Cá Tầm phương Bắc đang hợp tác với Viện 1 để nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tầm siberi trong điều kiện Việt Nam. 

Những điểm cần lưu ý trong sản xuất giống và nuôi cá tầm tại Việt Nam

Sản xuất giống

Nghề nuôi cá tầm trong nước trong thời gian ngắn đã phát triển cả trên quy mô và sản lượng, tuy nhiên con giống chủ yếu đều phụ thuộc vào lượng trứng đã thụ tinh NK. Đánh giá sơ bộ cho thấy nhu cầu con giống cá tầm tại Tây Nguyên trong năm 2009 khoảng trên 500.000 con, miền Bắc khoảng 50.000 – 70.000 con và dự kiến với tốc độ phát triển mạnh như hiện nay thì nhu cầu con giống cá tầm trong 5 – 10 năm nữa cần khoảng 2-3 triệu con giống/năm.

Hoạt động sản xuất giống cá tầm tại Việt Nam hiện đang gặp phải một số khó khăn sau:
- Thời điểm xác định giới tính cá đực và cá cái vẫn chưa được cụ thể, cần có các nghiên cứu.
- Chưa xây dựng được quy trình hoàn chỉnh nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ đối với từng loài cá tầm riêng biệt.
- Chưa xây dựng được các công thức thức ăn riêng cho từng giai đoạn nuôi vỗ, đặc biệt là trong điều kiện nuôi ở Việt Nam cần có các công thức thức ăn riêng thay vì dựa trên các loại thức ăn nhập ngoại cho cá Hồi vân hoặc đối tượng cá khác.

Nuôi cá tầm

Cá tầm là đối tượng cá nước lạnh nhưng ngưỡng chịu nhiệt lại rộng hơn cá hồi vân, nên khả năng mở rộng diện tích nuôi là rất lớn. Song việc nuôi cá tầm hiện nay phần lớn tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi, dịch vụ hậu cần, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Cá tầm sản xuất trong nước hiện nay được tiêu thụ rộng rãi tại những khu du lịch, ở một số siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... ở dạng cá sống, đông lạnh nguyên con hoặc cắt khúc và được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán cá nguyên con tươi sống chưa chế biến hiện dao động ở mức 200.000 – 300.000 đ/ kg. Bên cạnh đó, một lượng lớn cá tầm sống cũng được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, tuy nhiên chưa có báo cáo đánh giá về chất lượng của loài cá này. Một số công ty sản xuất cá tầm trong nước dự kiến trong thời gian tới sẽ tìm thị trường XK cá tầm thương phẩm và caviar khi phát triển với quy mô và sản lượng lượng lớn hơn.

Hiện nay, việc NK thức ăn công nghiệp cho các đối tượng cá tầm tại Việt Nam đang trở lên phổ biến, Mặc dù vậy, việc sử dụng các loại thức ăn công nghiệp được chế biến trong nước vẫn đang được đẩy mạnh. Theo đánh giá, các loại thức ăn sản xuất trong nước có độ ẩm khá cao (>11%) nên ảnh hưởng tới khả năng đồng hóa của cá, dẫn tới hệ số thức ăn cao hơn so với thức ăn nhập ngoại. Do vậy, trong quá trình xây dựng kế hoạch cần lưu ý tới khâu bảo quản, lên kế hoạch đặt hàng chính xác, tránh dư thừa và lưu kho quá lâu đối với các loại thức ăn sản xuất trong nước.
Tính từ năm 2005 tới nay, mặc dù đã có nhiều thời điểm cá tầm nuôi tại các cơ sở bị chết, nhưng các tác nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Do vậy, việc tăng cường giám sát, theo dõi sức khỏe của cá tầm tại các cơ sở nuôi là cần thiết nhằm phòng ngừa và giảm thiểu các thiệt hại xảy ra do dịch bệnh và biến đổi của môi trường.

Đánh giá chung

Các loài tầm hiện đang được nuôi tại Việt Nam là các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế rất cao với các sản phẩm từ thịt, đặc biệt là trứng. Việc phát triển nuôi đối tượng này tại các thủy vực nước lạnh tại Việt Nam là một thành công trong việc tận dụng nguồn lợi tự nhiên sẵn có và chưa được sử dụng từ trước tới nay ở Việt Nam.
Hiện nay, sự phát triển các vùng nuôi cá tầm ở nước ta đã góp phần đẩy mạnh sản lượng cá tầm nuôi của Việt Nam lên thứ 8 trong nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các kế hoạch phát triển cụ thể, phù hợp và bền vững cho từng vùng, từng loài ở các vùng sinh thái khác nhau nhằm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá tầm ở nước ta.

10/09/2013
 
THƯƠNG MẠI THỦY SẢN - Số 154 | Tháng 10/2012