HSBC: Thâm hụt kép sẽ trở lại vào năm 2016

HSBC: Thâm hụt kép sẽ trở lại vào năm 2016

11, August, 2016
Chuyên gia kinh tế của HSBC cho rằng tăng trưởng của Việt Nam vẫn dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi ở châu Á nhưng cán cân thương mại mất cân đối dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai mỏng đi và tạo áp lực lên cán cân thanh toán.
 
 
 
hsbc-tham-hut-kep-se-tro-lai-vao-nam-2016

Xuất khẩu của Việt Nam tăng chậm hơn nhưng vẫn khá so với khu vực.

Nhận định trên được bà Izumi Devalier - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC đưa ra trong báo cáo vừa công bố với nhan đề "Phát triển kinh tế sôi động - Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016". Trong đó, chuyên gia của ngân hàng này khẳng định: "Việt Nam là một trong những câu chuyện hay nhất khu vực về tăng trưởng". Thực tế là năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam tuy chậm hơn nhưng vẫn tăng trưởng mạnh, vượt lên xu hướng chung của khu vực. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao đứng thứ 2 tại châu Á nhờ sản xuất mạnh mẽ và nhu cầu nội địa tăng trở lại.

Mặc dù vậy, bà Izumi không quên cảnh báo thâm hụt kép sẽ trở lại vào năm 2016. Cán cân thương mại mất cân đối dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai mỏng đi, và tạo thêm áp lực lên cán cân thanh toán. Theo bà, Việt Nam cần có những biện pháp thắt chặt để giữ thâm hụt thương mại ở mức có thể kiểm soát.

Năm 2015 và đầu 2016, tăng trưởng tín dụng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ đã đi kèm với sự suy thoái của cán cân thương mại. Nguyên nhân là nhập khẩu tăng cao từ các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo HSBC, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng có xu hướng giảm và VND vẫn đang chịu áp lực lớn trong năm 2016. Theo dự báo của ngân hàng này, tỷ giá VND/USD cuối năm nay sẽ tăng lên 23.000 đồng. Theo bà Izumi, Việt Nam cần theo dõi sát sao những động thái của Ngân hàng trung ương Trung Quốc. "Nếu Trung Quốc lại phá giá đồng nhân dân tệ đột ngột, tôi nghĩ Việt Nam sẽ bị sốc. Tuy nhiên, khả năng một đợt phá giá mạnh như năm 2015 có thể không cao", bà Izumi nói.

Trong báo cáo này, chuyên gia của HSBC cũng nêu vấn đề về tín dụng đang tăng mạnh. Bà dẫn số liệu cho thấy tỷ lệ về sự đóng góp của tín dụng trong GDP đang tăng lên nhưng chủ yếu do GDP danh nghĩa suy giảm. "Tuy nhiên mức này chưa đáng báo động và tôi không nghĩ tín dụng Việt Nam tăng trưởng nóng. Nếu Ngân hàng Nhà nước khống chế được mức tăng trưởng tín dụng năm 2016 quanh 13-20% như dự kiến thì đây không phải là vấn đề quá lo ngại", bà Izumi nói.

Thanh Thanh Lan