Theo báo cáo, với tầm nhìn 2035, Việt Nam sẽ hướng tới mức thu nhập trung bình cao, một xã hội hiện đại, sáng tạo, bình đẳng, công khai và dân chủ với bầu trời trong xanh, nước sạch và tiếp cận công bằng về cơ hội đối với mọi công dân.
NGUYỄN LÊ
Lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội, tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Đây là thông điệp chính từ báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” vừa được công bố sáng 23/2 tại Hà Nội.
Báo cáo này được thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), và được công bố bởi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, được thực hiện trong gần hai năm, báo cáo gồm 7 chương nghiên cứu sâu với ba trụ cột như đã nói trên.
Theo báo cáo, với tầm nhìn 2035, Việt Nam sẽ hướng tới mức thu nhập trung bình cao, một xã hội hiện đại, sáng tạo, bình đẳng, công khai và dân chủ với bầu trời trong xanh, nước sạch và tiếp cận công bằng về cơ hội đối với mọi công dân.
Tầm nhìn này cũng dự báo một nhà nước thượng tôn pháp luật, với vai trò rõ ràng của nhà nước, công dân và thị trường. Tự do kinh tế được đảm bảo bởi thể chế thị trường mạnh, với những cơ chế chặt chẽ nhằm ràng buộc trách nhiệm giải trình của Chính phủ.
Các tác giả báo cáo cho rằng, khát vọng phát triển đất nước trong 20 năm tới rất lớn, nhưng thách thức phải vượt qua cũng vô cùng lớn.
Và để đạt được mục tiêu, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột nêu trên.
Không thực hiện những cải cách đó, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi.
Để hiện thực hoá khát vọng 2035, báo cáo cho rằng cần phải thực hiện 6 đột phá.
Gồm: xây dựng thể chế hiện đại; hiện đại hoá nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; phát triển năng lực đổi mới sang tạo; thúc đẩy hoà nhập xã hội; tăng trưởng có khả năng chống chọi với khí hậu; chuyển dịch không gian phát triển.
Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Jim Young Kim đều đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam trong 30 năm qua, và nhấn mạnh tầm quan trọng của báo cáo đối với con đường phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới
Thông tin từ WB cho biết, trong chuyến đi này, ông Jim Yong Kim dự kiến gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam để thảo luận về quan hệ giữa Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới.
Ông Kim cũng dự kiến sẽ thảo luận với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc nhóm Ngân hàng Thế giới có thể tăng cường hỗ trợ Việt Nam như thế nào, để Việt Nam có thể đạt được mong muốn của mình.