Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG. Online, đăng ngày thứ 4, 13/7/2016
Sau khi có thông tin về việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã chôn lấp hàng trăm tấn chất thải rắn trong đất vườn của ông Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Ths Đỗ Thanh Bái, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hóa học VN, thành viên Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chấp hành pháp luật về môi trường tại FHS đã trao đổi với phóng viên báo SGGP những ý kiến ban đầu về vấn đề này.
Ông Bái nhận định:
“Sự việc chứng tỏ các vấn đề quan trọng về quản lý môi trường và đạo đức nghề nghiệp của cả FHS, Công ty Môi trường đô thị và cơ quan quản lý đã ở mức báo động.
Ths Đỗ Thanh Bái
Trước hết, đây là chất thải dạng bùn, có thể là bùn từ khu vực xử lý nước thải, dập cốc, xử lý thép, bùn từ súc rửa đường ống..., nghĩa là hoàn toàn có khả năng chứa các chất nguy hại như kim loại nặng, phenol...
Dù là FHS hay nhà thầu thải ra, họ biết rõ tính chất nguy hại của loại bùn này, và chính vì thế mới phải chôn giấu trong đất tư của nhà ông Giám đốc Công ty Môi trường vì họ chưa được cấp phép, cố tình vi phạm các quy định pháp luật.
Điều này khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: cái gọi là “sự cố môi trường” do mất điện xảy ra hồi tháng 4 vừa qua, phải chăng đã từng xảy ra nhiều lần và rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra nếu như chưa bị phát hiện?
Thứ hai, điều này cho thấy vụ việc có sự cấu kết của công ty đã được cấp phép quản lý chất thải tại địa phương. Kết hợp với hành vi chối cãi quanh co của ông Giám đốc Công ty Môi trường, tôi cho rằng đã có những bằng chứng cho thấy hành vi vi phạm pháp luật về môi trường vì lợi nhuận “bẩn” cũng như thái độ coi thường nhân dân địa phương.
Về phía cơ quan quản lý, có thể thấy đã có một lỗ hổng lớn trong quản lý môi trường không những trong việc cấp phép cho các công ty môi trường, mà còn ở đạo đức môi trường. Kể cả khi đây là một việc “con sâu làm rầu nồi canh” đi chăng nữa, thì thực tế là đã rất thiếu các tiêu chí kiểm tra và đánh giá hoạt động quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại, ít nhất là ở cấp địa phương.
Trách nhiệm xã hội tự nguyện của các công ty, kể cả công ty có chất thải và công ty quản lý chất thải, xuất phát từ tâm nguyện của họ; nhưng về phía cơ quan quản lý nhà nước thì việc kiểm tra, xử lý vi phạm nghiêm ngặt và giáo dục phải được tiến hành đồng thời thì mới hy vọng cải thiện được tình hình.
Cuối cùng, vai trò của cộng đồng trong quản lý môi trường là vô cùng quan trọng và hiệu quả. Rất tiếc qua sự việc ở FHS, sự tham gia của cộng đồng địa phương đã chưa được đánh giá đúng mức, có khi còn bị bỏ qua, bị hiểu sai”.
ANH THƯ ghi