Nắm vững quy tắc xuất xứ hàng hóa khi hội nhập

Nắm vững quy tắc xuất xứ hàng hóa khi hội nhập

11, August, 2016

Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Online - Công Nghiệp, đăng ngày thứ 7 16/4/ 2016

Đây là nội dung chính đặt ra tại hội thảo “TPP - cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam” do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Báo Công thương tổ chức ngày 15-4.

 

Việc tuân thủ quy tắc xuất xứ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là yếu tố then chốt giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh nhờ hưởng ưu đãi thuế quan. Nhưng đáng lo ngại, hiện có rất ít doanh nghiệp (DN) quan tâm thực sự đến TPP, cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

 

Chỉ có 9% doanh nghiệp hiểu về TPP

 

Số liệu khảo sát sự hiểu biết của các DN về TPP do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM thực hiện năm 2015 cho thấy, có tới 91% số DN còn biết quá ít về TPP (20% DN chưa từng nghe về TPP, 45% DN có nghe nhưng không hiểu sâu, 26% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ). Chỉ có 9% số DN đã tìm hiểu tương đối kỹ TPP. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI TPHCM nhìn nhận, đây là tỷ lệ quá thấp, rất đáng lo ngại. Cũng nội dung này, khi VCCI khảo sát tại các tỉnh, thành khác, mức độ hiểu biết của DN thấp hơn nhiều so với TPHCM.

 

Đóng gói gạo phẩm cấp cao ở Công ty Gentraco, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu ở ĐBSCL Ảnh: T.M.T

  Lý giải cho việc thiếu quan tâm đến TPP, nhiều DN cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, họ đang phải gồng mình để lo cho sự tồn tại của DN, ít có thời gian để quan tâm, tìm hiểu kỹ về TPP. Nói cách khác, đại đa số các DN có chung tâm lý là tới đâu hay tới đó! TPP còn rất xa vời và không ảnh hưởng nhiều đến ngành nghề của DN đang hoạt động.

 

   Cùng quan điểm trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chỉ ra rằng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia cũng rất thấp, chỉ đạt mức 35%, tức là 65% còn lại là hàng hóa phải chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi) cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0% - 5%. Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA.

 

  Một trong những lý do chính, đó là DN chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0% - 5% mà các FTA mang lại. Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt và có phần lỏng hơn so với quy tắc xuất xứ trong TPP. Với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với các FTA mới, trong đó có TPP với những điều khoản phức tạp và chặt hơn, nếu không có các chương trình tập huấn kịp thời và thường xuyên cho DN, nếu bản thân DN không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức về FTA thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi.

 

Xuất xứ hàng hóa - yếu tố then chốt

 

   Phát biểu tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, TPP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích to lớn đến các quốc gia thành viên, đặc biệt là Việt Nam.Thể hiện rõ nhất là dòng chảy FDI sẽ hướng về các quốc gia trong TPP, từ đó điều chỉnh chuỗi cung ứng giá trị khu vực và hạn chế không cho các quốc gia ngoài TPP được hưởng lợi thông qua việc thiết kế bộ quy tắc xuất xứ, bắt buộc một số nhóm hàng trọng điểm phải sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ trong khối, nâng cao giá trị gia tăng ở lại với quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng hóa trong TPP. Vì vậy, việc tuân thủ quy tắc xuất xứ TPP là yếu tố then chốt quyết định việc được hưởng ưu đãi thuế quan TPP, nếu các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không đáp ứng bộ quy tắc xuất xứ này, thì việc hưởng thuế quan ưu đãi là vô nghĩa.

 

    Theo ông Trần Thanh Hải, đối với ngành dệt may, trong hầu hết các FTA Việt Nam đã thực hiện, nguyên liệu cho ngành có thể nhập khẩu từ bất cứ đâu, chỉ cần chứng minh công đoạn cắt may khâu thành sản phẩm diễn ra tại Việt Nam, thì sản phẩm đó đã được coi là có xuất xứ và được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang các đối tác FTA của Việt Nam (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Chile). Với AANZFTA (FTA giữa ASEAN - Úc - New Zeland) và AIFTA (FTA giữa ASEAN - Ấn Độ), quy tắc xuất xứ khó hơn một chút, khi yêu cầu thành phẩm, ngoài công đoạn gia công cuối cùng diễn ra tại Việt Nam thì phải chứng minh có ít nhất 35% đến 40% trị giá của thành phẩm được tạo ra trong phạm vi FTA. Điều đó cũng có nghĩa là một số lượng nhất định nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải có thể nhập khẩu từ ngoài khối, chỉ cần chứng minh có 35% - 40% hàm lượng thành phẩm được tạo ra trong khối thì hàng hóa đã được hưởng thuế quan ưu đãi FTA. Với AJCEP (FTA ASEAN - Nhật Bản) và VJEPA (FTA Việt Nam - Nhật Bản), không chỉ cắt may khâu tạo ra thành phẩm mà nguyên liệu vải bắt buộc phải có xuất xứ FTA. Việt Nam không thể nhập khẩu vải từ Đài Loan hay Trung Quốc, Hàn Quốc để rồi sau đó xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản và hưởng ưu đãi thuế quan được. TPP thể hiện mức độ khó cao nhất khi áp dụng quy tắc “từ sợi trở đi” có nghĩa là từ sợi tạo ra vải thô, vải thành phẩm và sau đó là hàng may mặc hoàn thiện, tất cả các công đoạn này phải được sản xuất trong phạm vi khu vực TPP.

 

 

    Đối với ngành nhựa, ngành được kỳ vọng là sẽ có sự tăng trưởng ấn tượng khi xuất khẩu tới Hoa Kỳ sau khi TPP có hiệu lực thì quy tắc xuất xứ với một số nhóm hàng nhựa yêu cầu ít nhất 50% hàm lượng polymer sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ TPP, trong khi hiện nay hầu hết nguyên liệu này không thể sản xuất trong nước và phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông là những quốc gia không phải thành viên TPP.

 

    Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của quy tắc xuất xứ TPP. Một số nhóm hàng khi so sánh với các FTA khác mà Việt Nam đã và đang thực hiện, quy tắc xuất xứ là ngang bằng, thậm chí một số mã hàng có phần còn lỏng hơn. Cụ thể như một số mặt hàng cao su, quy tắc xuất xứ trong TPP là ngang bằng với hầu hết các FTA khác mà Việt Nam tham gia (cho phép nguyên liệu có thể nhập khẩu từ ngoài khối) và lỏng hơn AANZFTA (yêu cầu xuất xứ thuần túy). Hạt điều nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. TPP cho phép nhập khẩu nguyên liệu điều thô từ bất kỳ đâu, chỉ cần chứng minh công đoạn gia công chế biến cuối cùng diễn ra tại Việt Nam là đã có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ để hưởng ưu đãi thuế quan TPP…

 

      TPP thực sự là cơ hội, nếu DN nắm vững mã HS, đáp ứng quy tắc xuất xứ và lựa chọn quy tắc xuất xứ phù hợp. Ngược lại, TPP sẽ là thách thức, nếu DN không nắm vững mã HS, không có hiểu biết đầy đủ về tiêu chí xuất xứ và chuỗi cung ứng sản xuất trong khu vực, không chủ động được nguồn cung nguyên liệu, thì thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của TPP áp dụng cho hàng Việt Nam sẽ vẫn là MFN chứ không phải thuế quan ưu đãi TPP. Khi đó, việc tận dụng ưu đãi sẽ không còn nhiều ý nghĩa như kỳ vọng của Chính phủ và chính cộng đồng DN, đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất từ TPP.

 

        Để hội nhập tốt kinh tế quốc tế, rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị chính sách phù hợp để thực hiện chứ không thể để DN tự bơi.

THÚY HẢI