Nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn và trong lồng ở hồ chứa

Nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn và trong lồng ở hồ chứa

11, August, 2016

Nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn và trong lồng ở hồ chứa(05/11/2012)

 
[Lượt xem: 932]
 
 
Nuôi cá nước lạnh mới được phát triển ở nước ta nên nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi đang được các nhà khoa học chú ý. Trong đó, phát triển các mô hình nuôi cá trong hệ thống tuần hoàn nhằm tận dụng tối đa nguồn nước lạnh để nuôi cá tầm đang được rất quan tâm.
 
 

Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Thị Xuân Thu - Bộ NN&PTNT thực hiện, nhằm so sánh việc nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn với nuôi cá tầm trong lồng trên hồ chứa nhằm góp phần phát triển các mô hình nuôi cá tầm thương phẩm khác nhau phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái ở Việt Nam.

Hình thức nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn được triển khai tại cơ sở thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tại thành phố Đà Lạt. Hệ thống tuần hoàn được thiết kế phục vụ nuôi cá tầm thương phẩm gồm các bể nuôi có thể tích 30m3, bể được thiết kế liên kết với bể lắng loại thải các chất rắn và bể lọc sinh học và hệ thống xử lý nước trước khi cấp ngược lại bể nuôi. Cỡ cá thả trung bình 417g/con được nuôi trong vòng 12 tháng đến cỡ thương phẩm khi thu hoạch trung bình 3 kg/con. Mật độ thả ban đầu là 8,21 kg/m3 và năng suất đạt 61,67 kg/ m3. Tỷ lệ cá sống trong hệ thống tuần hoàn đạt 100% ở giai đoạn nuôi thương phẩm. Trong khi đó, cá nuôi ở lồng ở hồ chứa cỡ cá thả ban đầu trung bình 401 g/con, sau 12 tháng nuôi đạt tăng trưởng trung bình 6,96 g/ngày, tỉ lệ sống đạt 96,7%, năng suất khi thu hoạch đạt 33,72 kg/m3. Với khả năng kiểm soát môi trường, mật độ thả cao hơn cho thấy, nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn cho năng suất cao hơn và đáp ứng được thực tế sản xuất. Tỉ suất lợi nhuận từ nuôi trong hệ thống tuần hoàn là 45,2%. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn có thể phát triển ứng dụng rộng rãi trong điều kiện môi trường ở Việt Nam .

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi cá tầm trong hệ thống tuần hoàn sẽ giúp hạn chế sự lệ thuộc của việc nuôi cá tầm trong lồng ở hồ chứa, vào nguồn nước và sự biến động của điều kiện môi trường nuôi do tính mùa vụ, ngoài ra còn giúp tăng sản lượng cá nuôi trong điều kiện nguồn nước cấp hạn chế.

 
Chà My
TC NN&PTNT, kỳ 2 - tháng 8/2012