Phát triển nghề cá: Cần một đề án đột phá

Phát triển nghề cá: Cần một đề án đột phá

11, August, 2016

Theo Báo Tep bac - Tư duy không giới hạn, đăng ngày 10/1/2016

Tuần qua, Dân Việt đã đăng tải loạt bài 5 kỳ “Tàu cá 67 mắc cạn” nhìn lại quá trình 2 năm triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Trăn trở trước những vấn đề mà Dân Việt nêu, ông Tạ Quang Ngọc - nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản đã có bài viết gửi tới toà soạn, góp thêm một góc nhìn mới mẻ về chính sách cũng như vận hội để tái cơ cấu nghề cá.
phát triển nghề cá

Chúng ta tiếp tục có những chính sách khuyến khích đóng mới những tàu to hơn, công suất lớn hơn, nhưng mọi tính toán kinh tế đều tính riêng lẻ cho từng con tàu mà không tính theo cả các khâu liên kết trong chuỗi giá trị, xuất phát điểm cho sự tính toán đó chỉ dựa vào chi phí đầu vào 5- 10 năm trước. Vì thế, chúng ta vẫn không thoát ra khỏi sự do dự và nghi ngại của nhà quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân khi triển khai.

Thời cơ từ giá dầu giảm sâu

Sự biến động giá dầu và phát triển nghề cá biển là mối quan hệ tỷ lệ thuận. Ở nước ta, giá dầu tăng mạnh trong thập niên đầu thế kỷ XXI và 3 năm tiếp theo cũng là một lực cản lớn cho tổ chức nghề cá biển, hiệu quả sản xuất và tái cơ cấu nghề này.

Cùng với những khó khăn có tính cố hữu của nghề cá biển (phân tán, ven bờ…), hơn một thập kỷ qua, giá dầu luôn là một cản trở lớn với chi phí nhiên liệu (chiếm trên 2/3 giá thành mỗi chuyến biển).

Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, giá dầu liên tục giảm, với giá dầu thô lúc cao nhất đến trên 140 USD/thùng năm 2008, thì nay đang trở về con số trên dưới 30 USD/thùng, và dự báo còn có thể về mốc 20 USD/thùng. Như vậy giá dầu thô thế giới trong 7 năm đã giảm khoảng 5 lần. Giá dầu diesel để chạy tàu cá ở ta gần đây cũng đã giảm đi xấp xỉ một nửa so với thời điểm giá cao nhất và chắc chắn còn tiếp tục giảm nữa. Nếu khó khăn về việc giảm giá dầu thế giới hiện nay liên quan đến nguồn thu từ bán dầu, thì hiện là thời cơ thuận lợi để ngành sản xuất tiêu thụ dầu lớn như nghề khai thác hải sản đang đứng trước một cơ hội mới.

Dù những nguyên nhân tăng và giảm giá dầu trên thế giới thập niên vừa qua có khác nhau theo các toan tính của các quốc gia dầu mỏ, thì cũng phải thấy rằng, giá dầu rẻ như hiện tại chắc cũng còn kéo dài thêm, ngoại trừ những đột biến thì chắc cũng còn khá lâu giá dầu mới lên lại như những năm 2005- 2010. Có nghĩa là kế hoạch 5 năm 2016-2020 của ta đang nằm trong “vùng thời cơ” về giá dầu này, phải chăng đây chính là cơ hội cho ta tìm điểm đột phá phát triển ngành khai thác hải sản ngay từ bây giờ?

Giá dầu giảm chưa xuất hiện khi chúng ta xây dựng chiến lược hiện hành phát triển thủy sản cũng như các loại quy hoạch kéo theo, thậm chí cả khi xây dựng kế hoạch 5 năm tới. Nói cách khác: Hiện chưa có một tính toán đầy đủ và một phương án khả dĩ cho cơ cấu lại sản xuất nghề biển gắn với thời điểm đột biến đi xuống của giá dầu. Và vì vậy nếu chúng ta không hành động thì có nghĩa là đang dễ dàng bỏ lỡ một thời cơ mới cho phát triển nghề cá biển, cho việc chấn hưng thực sự nghề này trong điều kiện nguồn lợi mà hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế nước ta mang lại.

Tận dụng để chấn hưng nghề cá

Việc hoạch định chính sách phát triển nghề cá biển cũng chưa tính hết ảnh hưởng yếu tố giá dầu cũng như tác động tích cực của việc nâng cao chất lượng thương mại sản phẩm khai thác xét theo toàn chuỗi giá trị sản phẩm.

Như một nghịch lý, những kết quả nghiên cứu nguồn lợi và ngư trường ngày một bất cập trước yêu cầu gia tăng sản xuất, vai trò của các cơ quan khoa học công nghệ  đối với ngành sản xuất này giảm  dần trong khi cái khó cần lời giải hơn hết các tiến bộ kỹ thuật, các luận cứ khoa học.

Chính vì thế, việc định hình tổ chức sản xuất cho những con tàu đóng mới cũng chưa thực sự rõ, hiệu quả kinh tế chưa có gì hứa hẹn. Hậu quả là các ngư trường xa bờ còn để ngỏ, trong khi nguồn lợi vùng ven và gần bờ tiếp tục xấu đi, không ít phương tiện khai thác và ngư dân tiếp tục bị nước ngoài bắt giữ.

Ngoài ra, trong phát triển nghề cá thời gian qua, mối liên kết từ biển đến bờ chưa định rõ, liên kết nghề cá với các nghề biển khác bị cắt khúc. Đặc biệt, giữa những kỳ vọng tăng trưởng kinh tế biển đảo với bảo đảm an sinh xã hội các cộng đồng nghề cá vốn phân tán ngày một vênh nhau nhiều hơn (quy hoạch không gian biển vẫn còn là vấn đề trừu tượng đối với nhiều người).

Chính điều đó làm cho kế hoạch phát triển hạ tầng và bảo đảm hậu cần nghề cá gặp không ít khó khăn, lúng túng, nguồn lực phát triển còn lãng phí nhiều. Thực tế đó và lối quản lý cắt khúc không cho phép cơ cấu ngành theo chuỗi được. Ngư dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi, nguồn lực của ngư dân và nghề cá trong công tác bảo vệ vùng biển đảo quê hương chưa được giải phóng mạnh mẽ.

Sự chuyển giao giữa hai năm 2015 và 2016 không đơn thuần chỉ là chuyển giao nhiệm vụ giữa các năm mà là của 2 kỳ kế hoạch. Thành công đối với nghề cá biển nước ta phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý để tạo sự đột phá đúng thời cơ, đúng thời điểm và vào cuộc ngay từ đầu năm 2016 này. Đây cũng là năm bản lề, đầu tiên để chúng ta triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Ông Tạ Quang Ngọc cũng xác nhận với NTNN, ông vừa gửi thư tới Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát đề xuất gấp rút xây dựng một đề án phát triển nghề cá biển tổng thể mạnh bạo nhất có thể nhằm tái cơ cấu nghề cá biển.

" Bắt tay rà soát toàn diện các chính sách đã hoạch định để nhanh chóng tạo bước ngoặt, sự đột phá bằng việc xây dựng một đề án phát triển nghề cá biển tổng thể mạnh bạo nhất có thể cho giai đoạn hiện nay”.

Nguyên Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc

10/01/2016
Tạ Quang Ngọc
Báo Dân Việt, 10/01/2016