Trưởng đoàn thanh tra Vũng Áng: “Các nhà khoa học bảo không thể nóng vội”

Trưởng đoàn thanh tra Vũng Áng: “Các nhà khoa học bảo không thể nóng vội”

11, August, 2016

Theo Báo dân trí.com, đăng ngày thứ 4, 11/5/2016

Trưởng đoàn thanh tra Khu kinh tế Vũng Áng - ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - khẳng định: “Khối lượng tài liệu vô cùng lớn, các nhà khoa học bảo không thể nóng vội, phải hết sức khách quan và phải có một khoảng thời gian nhất định mới có kết luận cuối cùng”.

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trong cuộc trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha)
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trong cuộc trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha)

 

Sau cuộc họp bàn với các nhà khoa học về kết quả kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng, chiều tối qua (10/5), ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra Formosa - đã dành cho PV Dân trí một cuộc trao đổi ngắn ngay tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phóng viên: Thưa ông, đến nay đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đã hoàn tất kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hay chưa?

Ông Hoàng Văn Thức: Sau khi Thủ tướng Chính phủ và một số Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đoàn vào kiểm tra rà soát với mong muốn tìm ra nguyên nhân của việc cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

Bộ cũng phải tiến hành tổng rà soát lại các khu kinh tế, khu dịch vụ có hoạt động sản xuất xả thải, phát thải ra môi trường, đặc biệt là vùng nằm trong 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Đối với khu kinh tế Vũng Áng, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành lớn nhất từ trước tới nay, mời rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong công nghệ môi trường... Bên cạnh đó là đại diện của nhiều bộ ngành, cơ quan liên quan.

Đoàn có 6 tổ vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng từ ngày 4/5 đến ngày 7/5. Đoàn này không giống như kiểm tra hành chính thông thường mà có nhiều nhà khoa học đi cùng, giúp Chính phủ trả lời cho nhân dân biết về nguyên nhân gây ra sự cố môi trường vừa rồi. Đoàn làm việc rất trách nhiệm, công tâm, khách quan, khoa học.

Có một khối lượng tài liệu vô cùng lớn về các nhật ký vận hành phải rà soát lại toàn bộ quá trình sản xuất của các doanh nghiệp từ khi đầu tư xây dựng tới triển khai, đi vào hoạt động; đặc biệt liên quan đến công đoạn phát sinh khí thải, chất thải ra môi trường, chất thải rắn nguy hại...

Đoàn đã khảo sát, lấy được tài liệu của doanh nghiệp, photo tài liệu mang về để các nhà khoa học điều tra, tổng hợp phân tích tiếp về các tài liệu.

Chúng tôi về cũng không được nghỉ đâu. Như tôi, 1h30 đêm Thứ bảy sang ngày Chủ nhật vừa rồi mới về tới Hà Nội, nhưng sáng thứ 2 các nhóm bắt đầu họp bàn, làm việc luôn rồi.

Chiều 10/5 mới kết thúc cuộc làm việc với các nhà khoa học. Chúng tôi đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường một số vấn đề để xem xét. Các nhà khoa học yêu cầu có một số liệu cần phải kiểm nghiệm, đối chứng lại với các doanh nghiệp. Có những số liệu phải mô hình hóa nên sẽ có một số nhóm tiếp tục vào Hà Tĩnh để rà soát tiếp rồi mới đưa ra kết quả cuối cùng.

Nhân dân rất nóng lòng trông mong vào đoàn kiểm tra này, báo chí cũng thế. Chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước cũng phải phụ thuộc theo các nhà khoa học. Các nhà khoa học bảo không thể nóng vội, phải hết sức khách quan và phải có một khoảng thời gian mới có kết luận cuối cùng.

Dự kiến hôm nay, ngày 11/5, sẽ tiếp tục có một số nhà khoa học vào làm việc tại Khu kinh tế vũng Áng để đối chứng tài liệu, kiểm tra thêm, tiếp tục thu thập thêm thông tin, lấy thêm các mẫu phân tích; thậm chí mang theo một số thiết bị vào kiểm chứng lại mô hình phát thải như thế nào.

 

Đến giờ chưa rõ thời gian hoàn tất kết luận thanh tra Formosa.
Đến giờ chưa rõ thời gian hoàn tất kết luận thanh tra Formosa.

 

Vừa rồi vào kiểm tra, thanh tra, các ông có phát hiện Formosa làm gì chưa đúng với các quy định của pháp luật hay không?

Đây là làm chung cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng. Quá trình thanh tra vẫn tiếp tục, một số cái đang trong quá trình phải tìm hiểu rõ.

Có những cái chưa đủ thông tin, một số số liệu doanh nghiệp họ cung cấp cho nhóm chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu nhưng giờ phải vào kiểm chứng lại. Số liệu người ta cung cấp chưa sát theo phán đoán của mình.

Bước đầu đoàn thanh tra có phát hiện vi phạm nào mà các doanh nghiệp không thể chối cãi hoặc đã phải ký vào biên bản thừa nhận vi phạm?

Trong quy định, ngoài các biên bản tại hiện trường còn phụ thuộc vào phân tích đánh giá tổng hợp của các dữ liệu, chất thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước biển, trầm tích biển để kiểm chứng. Các tài liệu vẫn đang cập nhật, cần phải bổ sung tình tiết. Đưa ra kết luận gì phải dựa trên cơ sở khoa học khách quan. Bây giờ đang trong quá trình về kiểm tra, mang tài liệu về Hà Nội phân tích thêm, bởi đây là dự án lớn nên phải làm thận trọng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến khi nào sẽ có kết luận thanh tra tại Khu kinh tế Vũng Áng, thưa ông?

Chưa có thời gian ấn định nhưng chúng tôi đang làm việc hết sức khẩn trương, khoa học để trong thời gian sớm nhất có kết luận cuối cùng.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Trước đó như Dân trí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các địa phương theo quy định của pháp luật, rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp ven biển, không được để tình trạng xả thải ra biển mà không được quan trắc theo quy định của pháp luật về môi trường; yêu cầu phải giám sát chặt chẽ việc xả nước thải làm ảnh hưởng môi trường biển.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.

 

 

Thế Kha (thực hiện)