Theo BBC TIẾNG VIỆT, đăng ngày 18/02/2016
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói để đạt được trọn vẹn các lợi ích từ TPP, Việt Nam cần thực hiện tất cả các cam kết trong đó có việc giảm bớt vai trò doanh nghiệp nhà nước.
Trả lời phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt tại Hà Nội vào đầu tháng này, ông Ted Osius cũng nói rằng Việt Nam nên tận dụng lợi thế là nước tham gia sớm và hưởng lợi kinh tế từ thỏa thuận TPP.
BBC: Thỏa thuận TPP đã được ký kết. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng TPP là một dạng thỏa thuận mậu dịch mới "đặt quyền lợi của người lao động Mỹ là trên hết". Ông có nghĩ rằng điều này cũng đúng với trường hợp người lao động ở Việt Nam hay không?
Vâng tôi cũng nghĩ vậy. Có một thỏa thuận mạnh mẽ về lao động trong TPP. Thực ra là có thỏa thuận cụ thể giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về quyền của người lao động. Và Việt Nam đã quyết định đưa ra những cam kết phù hợp với chính sách chung của Việt Nam là hội nhập quốc tế toàn diện và đã quyết tâm tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) liên quan tới quyền của người lao động nên đây là một bước đi quan trọng. Tôi nghĩ rằng bước đi này tốt cho người lao động Việt Nam và tốt cho tất cả các nước tham gia thỏa thuận TPP đã được ký.
BBC: Hoa Kỳ và Việt Nam vào năm 2001 ký kết hiệp định thương mại song phương (BTA). Tới nay là hơn 15 năm việc thực hiện thỏa thuận này nhưng Hoa Kỳ vẫn xem Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường. Do đó đối với TPP phải chăng cũng cần phải có thời gian để thực hiện sao cho hợp lý?
Đúng là cần phải có thời gian để thực hiện các cam kết. Hầu hết các cam kết của Việt Nam phải được thực hiện trước khi TPP có hiệu lực. Tức là khoảng hai năm nữa kể từ lúc này. Có một số cam kết theo lộ trình trong lĩnh vực thuế quan. Có một số lĩnh vực mà Việt Nam đã đàm phán để có được lộ trình phù hợp nhằm tạo điều kiện cho một số ngành trong nước có thêm thời gian để điều chỉnh.
Về lao động thì phần lớn các cam kết phải được thực hiện trước khi thỏa thuận có hiệu lực. Do hệ thống lập pháp và hệ thống chính trị của Việt Nam nên có thể cần phải mất nhiều thời gian hơn và phải được thực hiện trong vòng 5 năm. Do đó đối với một số ít các cam kết thì cần có thêm thời gian thực hiện nhưng hầu hết mọi cam kết phải được thực thi khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực.
BBC: Khác với một số nước tham gia TPP, Việt Nam có đặc thù là nền kinh tế do nhà nước nắm phần chủ đạo. Khi Việt Nam tham gia TPP thì ông nghĩ rằng để hưởng lợi toàn diện từ thỏa thuận này thì Việt Nam đối diện những thách thức gì?
Để có thể đạt được trọn vẹn các lợi ích từ TPP thì Việt Nam phải thực hiện tất cả các cam kết của mình. Đó là vì Việt Nam sẽ không hưởng lợi được chừng nào mà Việt Nam hoàn thành quá trình thực hiện cam kết của mình. Để thực sự có được đầy đủ các lợi ích bao gồm dịch chuyển được lên chuỗi giá trị, cũng như cắt giảm một số dòng thuế, tham gia vào 40% nền kinh tế thế giới, thì Việt Nam cần phải mở rộng khu vực kinh tế tư nhân. Và TPP đã mở ra một hướng để Việt Nam có thể thực hiện được điều mà Việt Nam muốn làm bấy lâu nay, theo đó phải giảm bớt vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường vai trò của khu vực tư nhân.
Sẽ có thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng một cách toàn diện lợi ích của TPP theo đó doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam khá nghiêm túc bắt tay vào chiến dịch nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp ngay lúc này. Tôi thấy Việt Nam không hề do dự. Đại hội Đảng mới đây đã nhất trí cho việc thông qua TPP và tôi thấy đã có sự chủ động cao trong việc triển khai việc nâng cao nhận thức cho lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đối với những lợi ích mà TPP có thể mang lại.
BBC: Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận đối tác toàn diện, trong chừng mực nào TPP sẽ là lực đẩy mạnh hơn cho quan hệ Mỹ-Việt?
Tôi nghĩ là vô cùng lớn. TPP là ưu tiên số một của chúng tôi và tôi nghĩ rằng thỏa thuận này tạo ra nền tảng cho các mối quan hệ trong nhiều thập kỷ tới bởi vì nó làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế, giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng hơn, mạnh hơn và độc lập hơn và tạo cơ hội cho các quốc gia tham gia khu vực tư nhân trong thời gian dài nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng thỏa thuận này là sự đóng góp rất lớn.