VN: Tăng trưởng GDP 2015 'tốt cho kinh tế 2016'

VN: Tăng trưởng GDP 2015 'tốt cho kinh tế 2016'

11, August, 2016

Theo Báo BBC Tiếng Việt, đăng ngày 29/12/2015

Mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước tính đạt 6,68% phần nào phản ánh diễn biến tốt của nền kinh tế Việt Nam năm 2015 và sẽ tạo đà tích cực cho kinh tế trong nước 2016, theo nhận xét của một chuyên gia.

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 29/12/2015, Phó giáo sư Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh nói con số này "nằm trong dự đoán".

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quanh Vinh công bố GDP Việt Nam ước đạt tăng trưởng 6,68%, là mức tăng trưởng cao nhất của Việt Nam kể từ tám năm qua.

Nhân tố giúp tăng trưởng

Ông Thịnh cho rằng một trong những nhân tố giúp cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn năm này là do giá dầu thấp.

“Đây là một trong những động thái làm tăng trưởng của Việt Nam tốt lên. Dầu trong nhiều ngành công nghiệp chiếm đến 60% - 70% chi phí, vì vậy, giá dầu thấp giúp chi phí đầu vào của Việt Nam thấp đi.”

Giá dầu thấp cũng góp phần tạo mức lạm phát thấp, qua đó càng tác động tích cực tới tình hình phát triển kinh tế, theo ông Thịnh.

“Giá đầu vào thấp làm lạm phát tương đối thấp ở Việt Nam trong thời gian vừa qua, và điều đó giúp cho các doanh nghiệp tương đối yên tâm đối với quá trình sản xuất kinh doanh của mình, đảm bảo được trên một mức độ nào đó kì vọng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế,” ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, ông cho rằng quá trình đáp ứng vốn cho nền sản xuất của hệ thống ngân hàng, tài chính Việt Nam đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Nợ xấu trong các năm trước đó ở mức tương đối cao (3,79% tính đến cuối 2013, 3,25% tính đến cuối 2014) hiện đã được kéo xuống mức, theo ông Thịnh là "chỉ vào khoảng 2,7%".

Điều này gây tác động tích cực tới tăng trưởng, “do đầu vào cho sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được đảm bảo bằng nguồn vốn tín dụng ngân hàng chứ không phải thị trường tài chính như ở các nước phát triển".

"Việc đảm bảo vốn cho tăng trưởng có thể nói đã được đáp ứng,” ông Thịnh nói thêm.

Ngoài ra việc tăng trưởng đầu tư công trong thời gian vừa qua cũng đáp ứng được phần nào kì vọng của nền kinh tế.

“Tất nhiên khi nói đến đầu tư công thì có rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, rõ ràng việc đầu tư công đang trở thành vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam."

"Trong thời gian vừa qua việc đầu tư công cũng thỏa mãn được nhu cầu về đầu tư tăng trưởng và cũng trở thành một nhân tố tạo ra kích cầu đối với qua trình sản xuất,” Phó giáo sư Thịnh nói.

"Tác động tích cực tới năm 2016"

Image copyrightUNIAN

Ông Thịnh dự đoán rằng những gì diễn ra trong năm nay "có thể sẽ có ảnh hưởng tốt đến nền kinh tế năm 2016".

“Tuy nhiên độ tốt như năm 2015 sẽ không còn nữa vì những nhân tố này sẽ trở thành cũ. Vì vậy chỉ có thể trông mong vào những tác động tốt hơn của hệ thống ngân hàng để đảm bảo vốn cho nền sản xuất tốt hơn,” ông nhận xét thêm.

Nợ công và chi tiêu công của Việt Nam hiện vẫn đang là điều "đáng lo lắng" bởi "vẫn còn có những vấn đề chưa được giải quyết", gây tác hại cho nền kinh tế trong nước, theo ông Thịnh.

“Chúng tôi hi vọng việc thay đổi cơ cấu, bộ máy hành chính cũng như đổi mới quản lí chi tiêu công và chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ có những chuyển biến tốt hơn và sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.”

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế vĩ mô từ Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, nói với BBC rằng kinh tế Việt Nam đang “có những tín hiệu tích cực”.

“Đó là sự hồi phục, mặc dù chậm chạp, nhưng chắc chắn hơn của khu vực kinh tế trong nước,” theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thế Anh.

“Việt Nam còn có một số cơ hội có thể nắm bắt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Đó là các hiệp định thương mại tự do, kỳ vọng có thể kéo theo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam."