Theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Online, đăng ngày thứ 6, 29-4-2016
Ngày 28-4, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng hải sản chết bất thường.
Bị động, lúng túng
Thông báo kết luận nêu rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 18-4-2016, tại khu vực ven biển thuộc địa phận các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi trồng và thủy, hải sản tự nhiên chết bất thường, không rõ nguyên nhân, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, sản xuất, kinh doanh thủy, hải sản, đặc biệt gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các bộ, các địa phương liên quan đã chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục, tổ chức thu gom, xử lý môi trường, hướng dẫn, khuyến cáo bà con ngư dân các giải pháp nuôi, khai thác phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống. Đến nay tình hình cơ bản đã ổn định, tình trạng cá chết đã giảm, vệ sinh môi trường được bảo đảm; một số lồng nuôi người dân thả thử nghiệm cá giống đã sống bình thường.
Tuy nhiên, do đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta, có phạm vi ảnh hưởng lớn, nên trong quá trình xử lý ban đầu vẫn còn bị động, lúng túng. Trong khi đó, khả năng nghiên cứu, hệ thống quan trắc môi trường còn hạn chế.
Để khẩn trương xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, xử lý, khôi phục hoạt động sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, ổn định cuộc sống của bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN-MT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Bộ Công an...) khẩn trương xác định nguyên nhân làm thủy, hải sản chết bất thường, bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học, thận trọng và nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Trường hợp cần thiết, yêu cầu thuê các tổ chức tư vấn, khoa học và các chuyên gia nước ngoài để thực hiện. Trường hợp nguyên nhân là do các vi phạm của tổ chức, cá nhân thì phải điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Hướng dẫn người dân tiếp tục nuôi trồng, khai thác
Phó Thủ tướng giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, quan trắc, thí nghiệm mẫu nước biển, mẫu cá tại các khu vực bị ảnh hưởng của các tỉnh, xác định, kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trong khu vực thời điểm phù hợp để tiếp tục tổ chức nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Bộ TN-MT trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn UBND các địa phương để chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động nhằm phục vụ kiểm tra giám sát môi trường và kết nối với hệ thống giám sát tự động của tỉnh; hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan kỹ thuật chuyên môn ở các địa phương trong việc xây dựng Trạm quan trắc để kiểm soát độc lập về môi trường và thiết lập hệ thống cập nhật dữ liệu quan trắc tự động đối với các cơ sở sản xuất, các dự án có thải chất thải ra môi trường.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất. Trong khi chờ xác định nguyên nhân làm cá chết; căn cứ tình hình thực tế, kịp thời hướng dẫn các địa phương và bà con ngư dân chủ động các phương án để tiếp tục khôi phục sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và kinh doanh dịch vụ đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền chính xác, khách quan, đầy đủ, có cơ sở khoa học, không tạo tâm lý hoang mang trong dư luận nhân dân nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và sản xuất kinh doanh để ổn định cuộc sống của người dân.
Phó Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các Bộ: TN-MT, NN-PTNT và các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường. UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế kịp thời thống kê đầy đủ các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo chính xác, đúng thực tế; chủ động thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại nặng nề đảm bảo người dân ổn định cuộc sống. Phối hợp chặt chẽ với các liên quan xác định thời điểm phù hợp để chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiếp tục tổ chức nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.
Ngăn chặn nhiều vụ thu mua cá chết dạt vào bờ biển Ngày 28-4, lượng cá chết mới vẫn tiếp tục dạt nhiều vào các bờ biển của Quảng Bình. Ngư dân Quảng Bình hoàn toàn không thể ra khơi, trong khi đó ngư dân Hà Tĩnh vào sát luồng các loại cá chết để đánh vớt rồi vào bờ bán. Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình cho biết, lực lượng phối hợp với công an, biên phòng thu giữ hơn 800kg cá đục chết ven biển do bà Hoàng Thị Thanh thu mua từ các thuyền nhỏ của ngư dân Hà Tĩnh vào Ba Đồn bán. Cùng ngày, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã cảnh cáo 7 thuyền nan gần bờ theo dòng cá chết trên biển để thu gom đi bán. 7 thuyền này là các ngư dân của xã Kỳ Lợi, vào biển Quảng Trạch gom cá chết. |
NHÓM PV
Bộ trưởng Bộ TN-MT nhận khuyết điểm
Ngày 28-4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã đến vùng biển Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - nơi vừa xảy ra tình trạng thủy hải sản chết hàng loạt để khảo sát thực địa, kiểm tra môi trường, để nghiên cứu tiếp tục làm rõ hai nhóm nguyên nhân mà Bộ TN-MT đã công bố ngày 27-4; kiểm tra thực tế các công trình xử lý chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Tại buổi kiểm tra, mặc dù chưa khẳng định nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt nhưng Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, cho biết, chức năng của Bộ TN-MT cũng như Sở TN-MT Hà Tĩnh sẽ trực tiếp với Công ty FHS để xem xét lại một số vấn đề về hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là đối với pháp luật Việt Nam thì hệ thống xả thải, ống thải ngầm là không cho phép.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời báo chí tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhấn mạnh: Việc quan trắc theo quy định pháp luật là quan trắc tự động và quan trắc thường kỳ, Bộ TN-MT đề nghị vào những thời điểm có những vấn đề nhạy cảm như hiện nay, hay là có những dấu hiệu có thể xảy ra thảm họa sau sự cố thì cần phải có việc tiếp cận của cơ quan quản lý Nhà nước và quan trắc với mật độ và tần suất dày hơn. Hiện nay công nghệ cho phép có thể lắp hệ thống camera trực tuyến để theo dõi toàn bộ hoạt động chất thải khi thải ra, đồng thời có thể đặt một số thiết bị tự động để nếu khi cần thì Sở TN-MT có thể tự động lấy mẫu và sẽ kiểm tra riêng biệt…”.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện Bộ TN-MT, các bộ ngành liên quan và các nhà khoa học đang tích cực xác định chính xác nguyên nhân trên cơ sở khoa học để có biện pháp hướng xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, cũng như phương án giải quyết trước mắt và lâu dài.
Trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các nhà khoa học và đặc biệt sẽ làm việc với các cơ sở sản xuất có liên quan các nguồn thải chính để làm sao có thể minh bạch, công khai thường xuyên giám sát được các nguồn thải, chất thải. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, qua kiểm tra, chưa phát hiện được bằng chứng về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường, nhưng về gián tiếp thì có những vấn đề liên quan. Đây là sự cố, thảm họa môi trường rất lớn, hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các bộ ngành cơ quan mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối chưa có kinh nghiệm, lúng túng; việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như công luận. Với tư cách là Bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này.
DƯƠNG QUANG