Vụ nước sông đổi màu, cá chết: Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc

Vụ nước sông đổi màu, cá chết: Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc

11, August, 2016

Theo Báo dân trí.com.vn, đăng ngày thứ ba, 10/5/2016

 Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị liên quan để tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế, đề xuất các giải pháp xử lý hiện tượng cá chết trên sông Bưởi.

 

Hàng chục hộ dân nuôi cá lồng trên dòng sông Bưởi, đoạn qua các xã Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Mỹ, Thành Vinh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) lâm vào tình cảnh lao đao, cá chết nổi trắng cả dòng sông Bưởi. Nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ phá sản vụ cá lồng năm nay (Ảnh: Duy Tuyên)
Hàng chục hộ dân nuôi cá lồng trên dòng sông Bưởi, đoạn qua các xã Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Mỹ, Thành Vinh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) lâm vào tình cảnh lao đao, cá chết nổi trắng cả dòng sông Bưởi. Nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ phá sản vụ cá lồng năm nay (Ảnh: Duy Tuyên)

 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, sáng 4/5, trên sông Bưởi đoạn giáp xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy xuôi về địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có hiện tượng nước sông đổi màu đen lục, sủi bọt, mùi hôi và xuất hiện dấu hiệu cá tự nhiên trên sông chết hàng loạt.

Đến ngày 6/5, đã xảy ra thêm tình trạng cá lồng của bà con nhân dân địa phương chết hàng loạt gây thiệt hại nghiêm trọng.

Tính đến 10h ngày 7/5, tổng số lượng cá lồng bị chết là 17.385 kg, gồm 73/109 lồng và 32/49 hộ nuôi cá lồng bị chết hoàn toàn.

Trước tình hình trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh và chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND huyện Thạch Thành khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân làm cá chết.

Qua kiểm tra, lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình đã thừa nhận việc xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý của nhà máy ra sông Bưởi trong thời gian từ ngày 15/3 đến ngày 25/4, với lưu lượng khoảng 250m3 - 300m3/ngày đêm. Như vậy, bước đầu có thể xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Bưởi là do hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy Đường Hòa Bình (nằm trên địa bàn Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, những ngày qua đã phối hợp với các ngành có liên quan và UBND huyện Thạch Thành khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả, cụ thể như: tiến hành rà soát lại các hộ bị thiệt hại và hỗ trợ đời sống cho nhân dân (20 kg gạo + 2,0 triệu đồng/hộ bị thiệt hại); tuyên truyền cho nhân dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi; tổ chức thu gom, tiêu hủy toàn bộ số cá lồng và cá tự nhiên chết đảm bảo vệ sinh môi trường; quan trắc liên tục chất lượng nước sông Bưởi để thông báo kịp thời cho các địa phương vùng hạ lưu sông Bưởi trong việc sử dụng nước sông Bưởi cho sản xuất và đời sống.

Đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của nhân dân dọc sông Bưởi và vùng hạ lưu, trong khi đối tượng gây ô nhiễm là nhà máy sản xuất đường mía nằm trên địa phận tỉnh Hòa Bình, vượt quá tầm kiểm soát của tỉnh Thanh Hóa.

Chính vì thế, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi. Đồng thời có biện pháp xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình để làm cơ sở yêu cầu công ty đền bù thiệt hại về kinh tế cho nhân dân.

Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 9/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, Vụ đã giao cho nhóm môi trường và dịch bệnh liên hệ với chính quyền địa phương để nắm tình hình. Đồng thời, Vụ Nuôi trồng Thủy sản cũng đang chuẩn bị có đoàn công tác vào Thanh Hóa để phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương tìm hiểu nguyên nhân, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại để xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ…

Ông Như Văn Cẩn cho biết thêm, thời điểm này lực lượng của Vụ Nuôi trồng Thủy sản đang tập trung cao độ cho vụ cá biển chết hàng loạt ở miền Trung nên chưa thể dồn sức cho vụ cá chết trên sông Bưởi ở Thanh Hóa.

Thế Kha - Nguyễn Dương