Xác định vùng khai thác và giám sát hải sản an toàn ở miền Trung

Xác định vùng khai thác và giám sát hải sản an toàn ở miền Trung

11, August, 2016

Theo Báo dân trí.com.vn, đăng ngày thứ 4, 4/5/2016

Bộ NN&PTNT cho biết, các tàu khai thác hải sản tại vùng biển an toàn là nằm ngoài khu vực có chiều rộng từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
 >> Vụ cá chết: Thủ tướng chỉ đạo truy thủ phạm, không để dân đói
 >> Xử nghiêm tổ chức, cá nhân nếu hiện tượng cá chết do con người gây ra

 

Công văn số 3441 của Bộ NN&PTNT
Công văn số 3441 của Bộ NN&PTNT

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp ngày 1/5 tại Hà Tĩnh với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó như:

Xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn

Các tàu khai thác hải sản tại vùng biển an toàn là nằm ngoài khu vực có chiều rộng từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Các bước thực hiện xác nhận: Ngay sau khi tàu vào cảng, chủ tàu có trách nhiệm thông báo cho Chi cục Thủy sản địa phương biết; Chi cục Thủy sản cử cán bộ giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng cá theo từng loài; Chủ tàu hoặc thuyền trưởng trình đưa cán bộ giám sát các giấy tờ sau:

Sổ hành trình được cơ quan biên phòng xác nhận phù hợp với hoạt động của tàu. Nhật ký khai thác (đối với tàu khai thác), nhật ký thu mua vận chuyển

Cán bộ giám sát cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển an toàn. Giấy xác nhận an toàn được thành lập thành 2 bản. Chủ tàu một bản, một bản được lưu tại Chi cục Thủy sản.

Đối với các tàu thu mua vận chuyển xuất bến trước ngày công văn này được ban hành, Chi cục Thủy sản địa phương không yêu cầu chủ tàu xuất trình Nhật ký thu mua, vận chuyển.

Giám sát hải sản an toàn

Đối tượng lấy mẫu giám sát: Hải sản được khai thác tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Loài hải sản được lấy mẫu là loài chiếm tỉ lệ lớn trong chuyến hàng khai thác cập cảng.

Địa điểm, thời điểm lấy mẫu giám sát: Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ: tại các cảng cá khi được bốc dỡ, đưa lên bở để đưa đi tiêu thụ; Đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ: tại các cảng cá, bến cá, nơi lên cá khi được bốc dỡ, đưa lên bờ để đưa đi tiêu thụ.

Tần suất lấy mẫu giám sát: Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ: 2-3 ngày/lần tùy theo điều kiện thực tế tại từng địa phương; Đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ: hàng ngày.

Người lấy mẫu: Cán bộ kỹ thuật đã được tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.

 

Phụ lục công văn số 3441 của Bộ NN&PTNT
Phụ lục công văn số 3441 của Bộ NN&PTNT

 

Biên bản lấy mẫu: Biên bản lấy mẫu được lập và ký giữa người lấy mẫu và chủ tàu sau khi kết thúc việc lấy mẫu.

Chỉ tiêu phân tích: kim loại nặng (thủy ngân, chì, cadimi, arsen…)

Đơn vị phân tích: các phòng kiểm nghiệm được Bộ NN&PTNT chỉ định.

Xử lý kết quả mẫu giám sát không đạt yêu cầu: Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ: khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục Quảng lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo ngay về Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ NN& PTNT.

Đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ: khi phát hiện mấu không đạt yêu cầu, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cần báo cáo ngay cho Sở NN& PTNT, UBND tỉnh để có biện pháp tiêu hủy, hỗ trợ cho ngư dân theo quy định và khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu phát hiện không đạt yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị báo cáo về Bộ NN&PTNT để phối hợp xử lý kịp thời.

Nguyễn Dương